Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai thực hiện ca phẫu thuật điều trị chấn thương thể thao cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung
Chấn thương của Xuân Son được xem là chấn thương thường gặp khi chơi thể thao, nhất là bóng đá.
Xuân Son bình phục tốt sau ca phẫu thuật
Các bác sĩ chuyên khoa ngoại, chấn thương chỉnh hình nhận định, nguyên nhân dẫn đến chấn thương của Xuân Son là do nam cầu thủ đang chạy với tốc độ nhanh thì dừng đột ngột tạo ra áp lực lên chân trụ khiến cơ đẩy mạnh cẳng chân về phía trước, dẫn đến xương bị gập góc và gãy ngang.
Thông tin từ Hệ thống Y tế Vinmec, kết quả hội chẩn từ các chuyên gia cho thấy, Xuân Son bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân phải, có mảnh rời lớn. Để giúp tiền đạo vừa đạt danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup 2024 sớm hồi phục, các bác sĩ của Trung tâm Y học thể thao Vinmec đã quyết định phương pháp phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tủy có chốt dưới màn hình tăng sáng. Đây là giải pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp giảm thiểu tổn thương mô mềm và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.
Trong hơn 1 giờ đồng hồ, GS-TS-BS Trần Trung Dũng, Giám đốc chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và cơ xương khớp Hệ thống Y tế Vinmec, cùng ê kíp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, tình hình sức khỏe của Xuân Son rất khả quan. Anh không còn đau đớn, có thể vận động nhẹ nhàng và phục hồi tích cực.
Theo GS-TS-BS Trần Trung Dũng, cơ hội để Xuân Son trở lại với thể thao đỉnh cao là hoàn toàn có thể. Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật này không quá phức tạp. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ chiếm 10% quá trình, còn 90% sự hồi phục phụ thuộc vào các công tác phía sau.
Cụ thể, việc phối hợp đa chuyên khoa tại Vinmec là yếu tố quan trọng giúp Xuân Son quay lại với phong độ đỉnh cao. Mỗi giai đoạn phục hồi của anh sẽ được đội ngũ y học thể thao tại đây theo dõi chặt chẽ, từ việc kiểm soát dinh dưỡng, cân nặng đến các bài tập phục hồi chuyên biệt theo từng giai đoạn.
GS-TS-BS Trần Trung Dũng chia sẻ thêm, đối với các chấn thương liên quan đến khớp và dây chằng, sự phục hồi đôi khi có thể dựa vào yếu tố may mắn. Tuy nhiên, với trường hợp gãy xương của Xuân Son, chỉ cần quá trình liền xương tốt và phục hồi đúng cách, khả năng trở lại với 100% phong độ là hoàn toàn có thể.
Cẩn trọng khi chơi các môn thể thao đối kháng
Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai đã phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân T.H.V., 38 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, bị chấn thương nặng do va chạm khi chơi đá bóng khiến cổ chân bị sai tư thế, xoay vặn cổ chân dẫn đến chấn thương cổ chân, gãy xương mắt cá chân.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng đau, biến dạng và trầy xước da vùng cổ chân trái. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy kín mắt cá ngoài, tổn thương khớp chày mác dưới và trầy xước da cổ chân trái.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Xuân Hoàng Trí, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - phục hồi chức năng và ê kíp sau đó đã thực hiện ca phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít khóa hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được tập thêm các bài tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để đảm bảo khả năng vận động trở lại hoàn toàn.
Bác sĩ Hoàng Trí cho hay, trung bình mỗi tháng, bệnh viện khám, điều trị cho từ 200-300 ca chấn thương thể thao. Trong đó có khoảng 15-20 ca nặng cần phải phẫu thuật. Chấn thương thường gặp nhất là chấn thương chi dưới, chiếm khoảng 42%, chấn thương chi trên chiếm 30,3%, còn lại là chấn thương đầu, mặt, cổ.
Cụ thể, hay gặp nhất là chấn thương cổ chân (bong gân, trật khớp), chấn thương gối (đứt dây chằng, rách sụn chêm), chấn thương háng, chấn thương vai, khuỷu tay (hay gặp ở vận động viên bóng chuyền, cầu lông, tennis), gãy xương.
Trong số các loại chấn thương thể thao thì chấn thương đáng ngại nhất là đứt dây chằng, rách sụn chêm vùng gối. Chấn thương này không chỉ liên quan đến chuyện đi đứng của vận động viên mà còn liên quan đến độ vững của gối. Có nhiều cầu thủ đã phải giải nghệ hoặc phải mất thời gian rất dài mới có thể trở lại với thi đấu đỉnh cao.
Để hạn chế chấn thương khi chơi thể thao, bác sĩ Trí khuyến cáo người dân cần khởi động kỹ trước khi vận động; tham gia các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, khả năng sức khỏe, sử dụng trang phục, dụng cụ, trang thiết bị, đồ bảo hộ phù hợp, đảm bảo an toàn và tránh các hoạt động quá sức. Những người thường xuyên chơi, thi đấu các môn thể thao cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ 2,5 lít nước lọc/ngày…
Trong trường hợp không may gặp chấn thương, cần sơ cứu đúng cách và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Sau các chấn thương thể thao, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ các bài tập phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng vận động của người bệnh mà còn ngăn ngừa những biến chứng về lâu dài.
Những người chơi các môn thể thao có tính chất đối kháng như: bóng đá, bóng bầu dục, võ thuật… thường có khả năng bị chấn thương nhiều hơn những người chơi các môn thể thao khác.
Chấn thương thể thao là thuật ngữ mô tả chấn thương trong lúc chơi thể thao hoặc tập luyện. Bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể cũng có thể gặp chấn thương nhưng hay gặp nhất là chấn thương hệ vận động cơ xương khớp và các mô liên quan như dây chằng, sụn.
Hạnh Dung