Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh minh họa: TTXVN.
Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều xã/phường: Bum Nưa, Bum Tở, Mù Cả, Mường Tè, Pa Ủ, Thu Lũm (tỉnh Lai Châu); Búng Lao, Mường Ảng, Mường Lạn, Mường Phăng, Na Son, Pu Nhi, Sam Mứn, Thanh An, Thanh Yên, Xa Dung (tỉnh Điện Biên); Bắc Hà, Bảo Nhai, Bảo Yên, Cốc Lầu, Khánh Hòa, Lâm Thượng, Lục Yên, Lùng Phình, Si Ma Cai, Sín Chéng, Tả Củ Tỷ, Tân Lĩnh, Thượng Hà, Xuân Hòa, Xuân Quang (tỉnh Lào Cai); Côn Lôn, Hồng Thái, Thượng Lâm, Yên Hoa, Bắc Mê, Du Già, Giáp Trung, Khuôn Lùng, Lâm Bình, Minh Sơn, Nấm Dẩn, Pà Vầy Sủ, Quang Bình, Quảng Nguyên, Thượng Nông, Tiên Nguyên, Tùng Bá, Yên Cường (tỉnh Tuyên Quang); Ba Bể; Bằng Thành, Bình Thành, Bình Yên, Cẩm Giàng, Cao Minh, Chợ Rã, Đồng Phúc, Nam Cường, Nghiên Loan, Đức Xuân, Phong Quang, Phú Đình, Phủ Thông, Thượng Minh, Trung Hội (tỉnh Thái Nguyên).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng thủy văn lưu ý, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương bị ảnh hưởng lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trước tình hình trên, khu vực chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...
Từ 16 giờ đến 20 giờ ngày 3/7, khu vực tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Tuyên Quang đã có mưa vừa, mưa to như: Khang Ninh (Thái Nguyên) 73,2mm, Yến Dương (Thái Nguyên) 50,8mm; Nậm Lúc 1(Lào Cai) 33mm; Yên Thế (Lào Cai) 32mm; Na Ư 1 (Điện Biên) 31,8mm; Pa Vệ Sủ (Lai Châu) 33mm;…
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Thắng Trung (TTXVN)