Đề phòng mùa bão lũ cuối năm

Đề phòng mùa bão lũ cuối năm
4 giờ trướcBài gốc
Phóng viên: Ông có thể điểm lại tình hình khí tượng thủy văn nổi bật trong 2 tháng qua?
- Ông NGUYỄN VĂN HƯỞNG, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia: Từ tháng 7-2024 đến nửa đầu tháng 9-2024, trên khu vực biển Đông đã xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới và 2 cơn bão - gồm bão số 2 (Prapiroon) và bão số 3 (Yagi).
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia
Đáng lưu ý, sau khi vào biển Đông, đến ngày 5-9, bão số 3 đã tăng 8 cấp trong 48 giờ, từ cấp 8 lên cấp 16 - cấp siêu bão. Cơn bão này duy trì cấp siêu bão hơn 24 giờ trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam - Trung Quốc tối 6-9, rồi đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và giảm cường độ xuống cấp 14, giật cấp 17. Chiều 7-9, bão số 3 đổ bộ khu vực tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng với cường độ cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17.
Do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8 - 10, giật cấp 12 - 14. Từ ngày 7 đến 12-9, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với hoàn lưu của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 khiến Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng phổ biến 250 - 450 mm, có nơi trên 550 mm.
Tại các trạm đo, trong 10 ngày đầu tháng 9, lượng mưa cao gấp 4 - 6 lần so với trung bình nhiều năm. Ví dụ, trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận lượng mưa 517 mm - cao hơn 440%, Lục Yên (Yên Bái) 503 mm - cao hơn 461%, Định Hóa (Thái Nguyên) 545 mm - cao hơn 677%, Sơn Động (Bắc Giang) 386 mm - cao hơn 488%...
Từ tháng 10 đến 12-2024, tình hình khí tượng thủy văn, hải văn có những dự báo nào đáng lưu ý?
- Hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính, dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 10 đến 12-2024, với xác suất 60%-70%.
Trong thời gian này, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, dự báo có 4 - 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn trung bình nhiều năm (1,9 cơn), tập trung nhiều ở Trung Bộ và các địa phương phía Nam. Cần đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực biển Đông.
Trên phạm vi cả nước, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét và gió giật mạnh tiếp tục có khả năng xảy ra. Mùa mưa tại khu vực Trung Bộ tập trung chính vào tháng 10 đến 11-2024. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa có thể kết thúc muộn hơn bình thường. Không khí lạnh và rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 và 12-2024. Trong đó, hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có thể xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 - tương đương trung bình nhiều năm.
Khu vực phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tan hoang sau khi cơn bão số 3 quét qua. Ảnh: MINH CHIẾN
Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, sương muối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Trong tháng 10-2024, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn 0,5 - 1 độ C so với nhiều năm. Tháng 11 và 12-2024, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ nhiều năm; riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc - Trung Trung Bộ có khả năng thấp hơn 0,5 độ C.
Tổng lượng mưa ở Bắc Bộ tháng 10 và 11-2024 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 10%-20%; riêng vùng núi thấp hơn 5%-10%. Tháng 12-2024, khu vực Bắc Bộ có mưa phổ biến 20 - 40 mm, thấp hơn trung bình cùng thời kỳ.
Ở Trung Bộ, tổng lượng mưa tháng 10 và 11-2024 phổ biến cao hơn nhiều năm từ 10%-30%. Tháng 12-2024, tổng lượng mưa ở Bắc Trung Bộ thấp hơn 5 - 10 mm; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, cao hơn 10 - 15 mm; các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa phổ biến 250 - 500 mm; khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận phổ biến 30 - 80 mm, cao hơn 15 - 30 mm so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 10 đến 11-2024 có tổng lượng mưa cao hơn 5%-20% so với cùng thời kỳ. Tại lưu vực sông Mê Kông, khu vực thượng lưu, trong tháng 10-2024 có tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm 5%-15%; tháng 11 và 12-2024 ở mức xấp xỉ cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tại khu vực trung lưu và hạ lưu từ tháng 10 đến 12-2024 phổ biến cao hơn 15%-30% so với trung bình nhiều năm.
Ba tháng đầu năm 2025, dự báo hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất 55%-65% nên ít có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Ở Bắc Bộ, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 1 và 2-2025, gây ra rét đậm, rét hại trên diện rộng. Cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối, băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp. Gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển Đông.
Việt Nam cần tiếp tục đề phòng lũ lụt trong 3 tháng cuối năm không, thưa ông?
- Tháng 10-2024, các sông ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt lũ với mực nước đỉnh lũ trên sông chính ở báo động 1; sông nhỏ ở báo động 1, báo động 2. Từ tháng 10 đến 12-2024, dòng chảy trên các sông khu vực này phổ biến xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm 10%-20%.
Tại Bắc Trung Bộ, từ tháng 10 đến 11-2024, các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ nhỏ; sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện 3 - 4 đợt lũ. Từ tháng 9 đến 11-2024, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa cao hơn trung bình 60%-160%. Tháng 11 đến 12-2024, hạ lưu các sông ở Nghệ An cao hơn 10%-40%, sông Ngàn Sâu cao hơn 40%-45% trung bình cùng kỳ.
Từ tháng 10 đến 12-2024, các sông ở khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ. Trong đó, lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11; đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Đỉnh lũ năm nay có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Tại Nam Trung Bộ, 3 tháng cuối năm nay, các sông có khả năng xuất hiện 2 - 4 đợt lũ. Đỉnh lũ các sông ở Bình Định, Khánh Hòa ở mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đỉnh lũ các sông chính ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận dao động ở mức báo động 2. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 30%-50%.
Trong khi đó, mực nước sông Cửu Long lên dần, đạt đỉnh vào khoảng tháng 10-2024 và dao động ở mức báo động 1. Đỉnh lũ tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 10 đến 12-2024.
Dự báo 8 đợt triều cường
Từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 12-2024, khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 8 đợt triều cường. Đợt 1 từ ngày 18 đến 22-9; đợt 2 từ ngày 4 đến 6-10; đợt 3 từ ngày 17 đến 21-10; đợt 4 từ ngày 2 đến 5-11; đợt 5 từ ngày 15 đến 19-11; đợt 6 từ ngày 1 đến 6-12; đợt 7 từ ngày 13 đến 17-12 và đợt 8 từ ngày 29-12-2024 đến 4-1-2025.
Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,3 m từ 14 - 16 giờ ngày 17-11. Các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển có khả năng ngập úng.
Không khí lạnh khiến miền Bắc và miền Trung mưa to
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng tới Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Từ ngày 23-9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời mát; vùng núi Bắc Bộ có nơi trời lạnh; nhiệt độ phổ biến 20 - 23 độ, vùng núi có nơi dưới 19 độ. Khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với trên 130 mm. Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa rào và giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
N.Thế
VĂN DUẨN thực hiện
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/de-phong-mua-bao-lu-cuoi-nam-196240922211831378.htm