Mưa và dông lốc khiến cây xanh gãy, đổ ra đường tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) chiều 13-5. Ảnh: C.T.V
Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, Đồng Nai đang bước vào mùa mưa 2025, khả năng sẽ xảy ra dông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nên người dân cần lưu ý đề phòng.
Nhiều thiệt hại do dông lốc gây ra
Chiều tối 13-5, cơn mưa lớn kèm dông lốc đổ xuống nhiều khu vực ở huyện Định Quán và các địa phương lân cận. Cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã quét qua địa bàn xã Thanh Sơn khiến hơn 10 nhà dân tốc mái, sập do cây ngã đè lên. Ngoài ra, mưa lốc còn làm nhiều cây cối lớn ở khu vực ấp 2, xã Thanh Sơn ngã ra đường khiến một phụ nữ bị thương. Tại hiện trường, rất nhiều cây thân gỗ cao lớn bị gãy chắn ngang đường dân sinh khiến giao thông ùn tắc cục bộ. Một số trụ điện ven đường bị cây đè đổ sập gây cúp điện diện rộng.
Ngoài ra, một số cơn mưa lớn đầu mùa cũng gây ngập tại nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch khiến nhiều phương tiện di chuyển khó khăn, gây ùn tắc cục bộ. Cụ thể như, vào sáng 10-5, cơn mưa lớn kéo dài tại một số địa phương trong tỉnh đã gây ngập vào giờ cao điểm buổi sáng khiến người lao động, phụ huynh chở con em đi học gặp khó khăn, té ngã khi đi qua các điểm ngập: ngã ba Phú Sơn (giao giữa quốc lộ 1 và đường Bắc Sơn - Long Thành thuộc huyện Trảng Bom); đường Bùi Văn Hòa đoạn chợ K8 (thành phố Biên Hòa); đường tỉnh 767 đoạn qua Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom)...
Không chỉ tại Đồng Nai, từ đầu tháng 5-2025 đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng xuất hiện mưa lớn kèm dông, lốc. Tuy lượng mưa không nhiều nhưng đã bổ sung nước cho mặt đất và các sông, suối, làm giảm bớt phần nào sự khô hạn, cây cối xanh tươi hơn. Mưa rơi xuống còn mang theo các loại bụi trong không khí, cuốn đi lớp bụi trên bề mặt đất, lá cây, các vật thể kiến trúc…, làm môi trường sạch, không khí trong lành hơn… Ngoài ra, sự xuất hiện của những cơn mưa vừa qua làm giảm bớt nắng nóng, nhiệt độ không khí có giảm đôi chút, độ ẩm gia tăng làm môi trường không khí dịu mát, bớt ngột ngạt…
Ngoài mặt tích cực nêu trên, mưa trong thời điểm đầu mùa thường kèm theo dông, lốc, sét gây thiệt hại cho người dân. Mới nhất là cơn mưa, dông từ đêm 9 đến ngày 10-5 đã làm một người ở tỉnh Bình Dương mất tích, nghi do nước cuốn trôi. Mưa lớn đã làm 81 ngôi nhà ở các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Lào Cai bị tốc mái; 31 hécta hoa màu (tỉnh Tuyên Quang); 4,48 hécta ao cá, 105 hécta diện tích đất nông nghiệp (tỉnh Bình Dương) bị chìm trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập nước cục bộ.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai NGUYỄN PHƯỚC HUY lưu ý, mưa đầu mùa thường kèm theo dông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Khi tham gia giao thông, lao động sản xuất lúc trời có mưa dông, người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh trú nấp dưới các tán cây lớn; tránh xa công cụ lao động kim loại, tắt các thiết bị thu phát sóng như điện thoại để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Chủ động phòng ngừa
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, hiện Đồng Nai đã bước vào mùa mưa năm 2025. Dự báo thời tiết từ nay đến cuối tháng 5-2025, mưa có xu hướng tăng về diện và lượng, có nơi mưa to đến rất to và dông vào buổi chiều, tối. Nắng nóng vẫn còn xuất hiện trong những đợt giảm mưa.
Nhiệt độ trung bình trong tháng 5-2025 xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, mức nhiệt độ trung bình: 27,3-29,30C, cao nhất: 35-370C và thấp nhất: 22-240C.
Lượng mưa trong tháng 5-2025 xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (160-270mm). Khả năng trong tháng 5 xuất hiện một vài đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35-370C kéo dài trong vài ngày.
Ông Huy cho biết thêm, thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã xuất hiện mưa. Chiều 13-5, nhiều nơi trong tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại các trạm La Ngà 59mm, Túc Trưng 57mm, Đak Lua 31mm, Thanh Sơn 24mm, Trảng Bom 18mm, Trị An 37mm.
“Thời điểm này, cần lưu ý đề phòng khả năng có lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh kèm theo những cơn mưa dông. Những địa phương miền núi thường bị dông lốc hơn vùng đồng bằng, nguyên nhân là do địa hình bị chia cắt nhiều hơn. Đôi khi gió luồn qua những khe núi nên tốc độ tăng mạnh, thường gọi là hiệu ứng ống hẹp” - ông Huy phân tích.
Để chủ động phòng ngừa cây xanh gãy đổ khi thời tiết chuyển mùa và trong mùa mưa sắp tới, nhiều địa phương trong tỉnh đã kiểm tra, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng cây gãy, đổ mất an toàn trong mùa mưa.
Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố Biên Hòa Phạm Vũ Quang cho biết, từ đầu tháng 4-2025, đơn vị đã tăng cường công tác chăm sóc cắt tỉa cây xanh đô thị nhằm đảm bảo sinh trưởng, phát triển của cây xanh, an toàn trước mùa mưa bão. Đơn vị tập trung chăm sóc cắt tỉa các tuyến đường có cây xanh kích thước lớn, cây loại 2, loại 3, cây cổ thụ đảm bảo an toàn; đồng thời, rà soát số lượng cây nguy hiểm (cây xanh bị sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc, nghiêng, cành nhánh có dấu hiệu nứt)… để đề xuất UBND thành phố cấp giấy phép đốn hạ.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Biên Hòa, các đơn vị chức năng của thành phố thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động bố trí nhân lực, phương tiện để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố cây xanh gãy, đổ trên địa bàn quản lý để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn của các công trình và tài sản của tổ chức, người dân trong khu vực” - ông Phạm Vũ Quang cho biết thêm.
Kim Liễu