Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 10h sáng nay (22/7), bão đã đổ bộ ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình, sức gió mạnh nhất 88 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11. Ngoài gió thì hoàn lưu cơn bão số 3 sẽ gây mưa lớn tại các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, Nghệ An. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia
PV: Thưa ông, từ hôm qua, bão số 3 đã gây ra gió mạnh mưa to tại nhiều nơi dù chưa đổ bộ vào đất liền. Vậy bão vào đất liền bão sẽ tác động như thế nào?
Ông Mai Văn Khiêm: Bão đi vào đất liền khu vực Hưng Yên và Ninh Bình, sức gió ở vào khoảng cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Đây là sức gió có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các xã, phường ven biển khu vực nam Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và còn sâu hơn trong đất liền như khu vực nam Hà Nội, khu vực tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa và khu vực các tỉnh Hưng Yên cũng có thể có chịu tác động của gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Vi sức gió như vậy thì cũng hết sức nguy hiểm cần phải đề phòng.
PV: Ngoài gió mạnh thì mưa lớn cũng là vấn đề hết sức lưu tâm. Vậy thì diễn biến mưa bão có gì đáng chú ý thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm: Do hoàn lưu bão số 3 rất rộng, ngay từ ngày hôm qua (21/7) khi bão trên Vịnh Bắc Bộ đã gây ra lượng mưa tương đối lớn đối với các khu vực Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Bắc bộ. Cụ thể lượng mưa 24 giờ qua từ chiều và đêm hôm qua thì tổng lượng mưa một số nơi đã lên đến trên 200mm khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng và Ninh Bình.
Với cơn bão số 3, đặc điểm phân bố chủ yếu tập trung ở phần phía nam của hoàn lưu bão. Vì vậy khi bão số 3 trong sáng nay khi dịch chuyển xuống phía nam hơn khu vực ven biển tỉnh Hưng Yên và Ninh Bình thì phần mây lớn tập trung gây mưa chính đang tập trung vào các khu vực phía Nam.
Cụ thể khu vực các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, một phần phía bắc Hà Tĩnh hiện nay đang có mưa tương đối lớn. Lượng mưa này sẽ còn tiếp tục duy trì khi cơn bão này đi vào đất liền và dịch chuyển theo hướng Tây sang phía thượng Lào và chúng tôi nhận định rằng khu vực Thanh Hóa, Nghệ An trong ngày và đêm nay sẽ có thể còn tiếp tục gây lượng mưa lớn.
PV: Trong cơn bão này cũng ghi nhận hiện tượng nước biển dâng kết hợp với triều cường có thể ảnh hưởng đến các tuyến đê xung yếu. Ông có thể cho biết mực nước biển dâng cụ thể và đâu là những khu vực cần đặc biệt lưu ý?
Ông Mai Văn Khiêm: Mặc dù cường độ của cơn bão này không quá lớn nhưng với sức gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 cũng có thể gây ra hiện tượng nước dâng do bão. Hơn nữa kết hợp với hiện tượng triều cường dâng cao thì chúng tôi dự báo được tổng hợp bao gồm cả nước dâng do bão và nước dâng do triều cường có thể 1-4m ở khu vực ven biển từ tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên.
Các xã, phường ven biển trọng của khu vực này có thể chịu tác động của mực nước dâng trong khoảng từ 1- 4m vào thời điểm mà nước dâng nhất cao nhất có thể xảy ra trong chiều ngày hôm nay (22/7) vào khoảng thời gian từ 13-17h chiều.
Quang Huy/VOV1