Tư pháp Thủ đô
Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Ảnh: B.D
Được biết, năm 2024 ngành Tư pháp Thủ đô đã tập trung tham mưu triển khai công tác tư pháp theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp, của TP và cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo tiến độ, chất lượng, về cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác Tư pháp Thủ đô còn một số hạn chế, như: công tác xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của một số đơn vị còn chưa bảo đảm tiến độ; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn một số bất cập; công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch của một số đơn vị triển khai còn chậm; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ... ở một số địa phương, đơn vị chưa đạt hiệu quả.
Tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025 được Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Tư pháp TP Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2025 ngành Tư pháp Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Thành ủy, trong đó chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các kế hoạch công tác gắn với chủ đề năm công tác củaTP; tăng cường công tác cải cách hành chính; kịp thời cập nhật, điều chỉnh nội dung, giải pháp triển khai, bảo đảm khả thi, phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tế.
Chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở; chỉ đạo trong việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác tư pháp, pháp chế của TP.
Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế ngành tư pháp có số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứcvề chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí phân công vị trí việc làm phù hợp để phát huy năng lực, sở trường công tác của từng cá nhân; xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực tham gia vào công tác Tư pháp.
Tập trung đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; phổ biến giáo dục pháp luật và truyền thông.
Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong giải quyết yêu cầu của người dân; đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo quản lý, nhất là vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, ngành Tư pháp Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Thủ đô 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức thực hiện tốt và kịp thời công tác góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô 2024 để đưa luật vào cuộc sống...
Bạch Dương