Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 11 diễn ra tại Nam Ninh, Trung Quốc với sự tham gia của đơn vị nghệ thuật đến từ các nước trong khối ASEAN.
Kết thúc liên hoan, sân khấu Lệ Ngọc thắng lớn với huy chương Vàng cho vở kịch Nước mắt của mẹ (tác giả kịch bản Toàn Thắng, đạo diễn NSND Lê Hùng). 3 nghệ sĩ đóng vai chính: NSND Lệ Ngọc, NSƯT Văn Hải, nghệ sĩ Anh Tuấn cũng giành huy chương Vàng.
Từ trái qua: nghệ sĩ Anh Tuấn, NSƯT Văn Hải, NSND Lệ Ngọc được trao huy chương Vàng trong vở "Nước mắt của mẹ".
Nước mắt của mẹ nói về tình cảm gia đình trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường. Một ông bố mê mải kiếm tiền bằng mọi giá, một người mẹ nhẫn nhịn đến nhu nhược và đứa con ở tuổi thanh niên vì chứng kiến nhiều góc khuất của những mối quan hệ mà trở nên ngông cuồng, phá phách.
Hình ảnh người mẹ kế do NSND Lệ Ngọc thủ vai là điểm sáng của vở diễn là hiện thân của sự hy sinh, bao dung, luôn âm thầm vun đắp hạnh phúc gia đình - như đức tính vốn của của phụ nữ Việt Nam.
Tại liên hoan, NSND Lệ Ngọc - Chủ tịch Sân khấu Lệ Ngọc, được BTC trao Giải thưởng cống hiến, bởi có 11 lần mang vở diễn tham gia liên hoan và đều giành được giải thưởng rất cao, gồm huy chương Vàng và Giải thưởng Hoa dâm bụt (Giải thưởng Xuất sắc).
Chia sẻ với PV VietNamNet, NSND Lệ Ngọc bày tỏ vui mừng vì đam mê với sân khấu được đền đáp xứng đáng. Từ khi nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Lệ Ngọc cùng chồng - NSƯT Văn Hải thành lập sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc. Mô hình sân khấu này phổ biến tại TPHCM trong khi ở miền Bắc, hầu hết các đơn vị nghệ thuật vẫn được bao cấp.
"11 lần Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN tổ chức, là chừng đó lần chúng tôi mang vở diễn tham dự. Các tác phẩm do nghệ sĩ Việt Nam dàn dựng và biểu diễn được đánh giá cao. Niềm vui không chỉ của chúng tôi mà còn của cả nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về dải đất hình chữ S giàu bản sắc văn hóa”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.
Để sân khấu luôn sáng đèn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
NSND Lệ Ngọc cho rằng, sân khấu Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung đang gặp phải nhiều thách thức, trước bối cảnh chung của sự phát triển công nghệ 4.0.
Việc cố gắng tham gia vào các kỳ liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Monaco, Bangladesh, Pháp, Ý, Bhutan... đối với sân khấu xã hội hóa, mục tiêu đầu tiên không vì những tấm huy chương mà là cơ hội học hỏi nước bạn, tích lũy kinh nghiệm để sân khấu Việt Nam có thể vươn mình trong kỷ nguyên mới.
NSND Lệ Ngọc và nghệ sĩ Lâm Cương trong vở "Vua Lia".
Hơn 50 năm làm việc trong lĩnh vực sân khấu, "gia tài" với hàng 100 vai chính, quan niệm làm nghề của NSND Lệ Ngọc rất đơn giản: “Sân khấu phải mang đến cho khán giả những điều họ cần, nghệ sĩ phải lấy khán giả là trung tâm”.
Theo NSND Lệ Ngọc, để sân khấu luôn sáng đèn, đừng ngồi chờ khán giả, chủ động tìm họ giới thiệu cái mình có, đặc biệt là giới trẻ.
"Chúng tôi chủ động tìm kiếm và kết nối những người đam mê nghệ thuật, đặc biệt là giới trẻ; đưa kịch đến với trường học, mang bài học giáo dục thông qua những câu chuyện diễn ra trên sân khấu; đưa tình yêu văn hóa Việt đến với vùng sâu, vùng xa và quốc tế”, NSND Lệ Ngọc nhấn mạnh.