Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
8 giờ trướcBài gốc
Sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia đã được thành lập. Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban. Phó Trưởng Ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài. Nghị quyết số 57 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, Bộ Chính trị định hướng với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, cần có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm. Nghị quyết 57 được coi như “khoán 10” trong lĩnh vực KHCN Việt Nam.
Nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này bao gồm thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Nghị quyết có nhiều nội dung rất mới. Do vậy, thể chế là điều kiện tiên quyết. Tại Hội nghị toàn quốc vừa diễn ra ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, trong năm 2025, càng sớm càng tốt.
Hệ thống pháp luật về KHCN, ĐMST, hiện nay có một số Luật liên quan trực tiếp, gồm: Luật KH&CN, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, có khoảng 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Hệ thống pháp luật về chuyển đổi số nước ta đã kịp thời có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Về ưu điểm, hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Tuy nhiên, còn một số hạn chế. Thứ nhất, chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng. Thứ hai, cơ chế đầu tư, tài chính cho KHCN, ĐMST chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội…
Đảng và Nhà nước luôn coi KHCN là quốc sách hàng đầu, nhất quán từ trước đến nay. Nghị quyết 57 là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động”... Để đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống, việc cần ưu tiên trước hết là thể chế đầy đủ, kịp thời đồng bộ, với tư duy xây dựng pháp luật đổi mới, bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích ĐMST, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Ngô Đức Hành
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/de-som-dua-nghi-quyet-57-nqtw-vao-cuoc-song-post537740.html