Năm 2025, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg với mục tiêu phải tăng tốc, bứt phá hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị bởi để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, ngoài những giải pháp làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống phải là những giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Chuyên gia cho rằng để tăng trưởng 2 con số, phải cải cách thực sự về thể chế
Tại tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng với mục tiêu mà Tổng Bí thư và Đảng, Nhà nước đã đề ra là đến năm 2030 Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước có thu nhập cao thì trong năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất là 8% như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
"Đến giai đoạn năm 2026 - 2030, phải phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số ở mức khoảng 10%. Sau đó từ năm 2031 - 2045 đạt 6,5 đến 7%, bởi tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần cho dù chúng ta nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vì lúc bây giờ quy mô kinh tế của Việt Nam rất lớn, tỷ lệ tăng trưởng sẽ chậm dần do phải so sánh với mức nền rất cao của giai đoạn trước", ông Lực nói và nhấn mạnh rằng nếu làm được những điều này, mục tiêu rở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại hoàn toàn khả thi.
Theo ông Lực, dù thách thức nhưng với quyết tâm của Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị thì Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.
“Như Tổng Bí thư đã nói, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này rất khả thi nếu chúng ta quyết tâm triển khai thực hiện", ông Lực nêu.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực
Ông Lực cho rằng cần quyết tâm thực hiện một cách nhanh, gọn và hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là đột phá về thể chế và cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
“Phải thực sự đột phá, từ khâu làm luật cho đến khâu thực thi và giám sát luật. Đặc biệt, phải từng bước tháo gỡ khó khăn đang diễn ra càng nhanh càng tốt, để qua đó huy động và giải phóng nguồn lực hiệu quả hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng là khi chúng ta cải cách tốt về thể chế thì tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải khai thác tốt hơn nguồn lực tăng trưởng mới này", chuyên gia Lực đề xuất
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới đến từ những lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Ngoài ra, cần chú trọng phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh bên ngoài có rất nhiều thách thức, rủi ro về địa chính trị còn cao, căng thẳng thương mại có nguy cơ leo thang, kéo theo xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, theo TS Cấn Văn Lực, để tận dụng tốt các cơ hội và ứng phó hiệu quả với thách thức hiện nay, trong năm 2025 doanh nghiệp cần chú trọng cơ cấu lại hoạt động và kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, và lãi suất; nắm bắt các xu hướng lớn như phát triển kép "xanh hóa và số hóa" bằng cách xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)…
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chưa bao giờ Việt Nam có không gian cải cách thuận lợi như bây giờ. Tổng Bí thư đã chỉ rõ những điểm nghẽn và đốc thúc việc khơi thông những điểm nghẽn này. Tư duy đó cần được thẩm thấu vào hệ thống.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)
Ông Cung cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ cần tiên phong đưa tư duy đột phá trong xây dựng pháp luật, cải cách thể chế nào vào thực tế. Theo ông, thời gian tới cần tập trung bỏ bớt các quy định pháp luật đang là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Cung cũng khuyến nghị cần phân cấp, phân quyền triệt để hơn cho địa phương, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Việc phân cấp, phân quyền này đi cùng với việc mở không gian của pháp luật ở trung ương sẽ phát huy được tính năng động, sáng tạo của địa phương, các địa phương sẽ cạnh tranh nhau trong phát triển.
Cùng với đó, phải thay đổi cách đánh giá, theo kết quả thay vì theo quy trình, mở ra không gian và cả áp lực để địa phương nỗ lực đạt những mục tiêu đề ra.
Về vấn đề nhân lực, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh cần phải làm rõ nội hàm của điều này để có chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả.
Lam Thanh