Trong cuộc sống ngày nay, mạng internet có vai trò hết sức quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc cung cấp thông tin, kết nối bạn bè, học tập trực tuyến hay giải trí… Thế nhưng, đây cũng là con dao hai lưỡi tiềm ẩn không ít vấn đề, rủi ro, hiểm họa khó lường, nhất là đối với trẻ em. Bởi vậy, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay tạo dựng tấm "lá chắn” để thế hệ trẻ không bị lạc lối trên không gian mạng.
Phụ huynh cần đồng hành cùng con trong sử dụng mạng internet.
Cuối tháng 3 vừa qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao về hoạt động quảng bá sản phẩm do một hợp tác xã tổ chức tại Công viên Tuổi trẻ (thành phố Hòa Bình). Điều khiến dân mạng tranh cãi dữ dội là sự xuất hiện của một số khách mời tham dự chương trình là những người sáng tạo nội dung, có sức ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội Tiktok. Đáng nói, những cá nhân này nổi lên từ các video giải trí có nội dung xấu, độc, không lành mạnh. Hoạt động trên thu hút sự tham gia của rất nhiều học sinh, thanh, thiếu niên. Nhiều em còn xin chụp ảnh cùng các Tiktoker để làm kỷ niệm. Đây như một hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh quản lý chặt chẽ hơn nữa việc để con em mình tiếp cận các nội dung khi sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội tại nhà.
Trên thực tế, nếu không có sự quan tâm, giám sát của người lớn, trẻ được tự do, thoải mái sử dụng internet sẽ dễ dàng tiếp cận nhiều nội dung độc hại. Từ đó, tác động tiêu cực đến nhận thức, tâm lý và hành vi của các em, gây ra hệ lụy khó lường. Nội dung trên mạng internet rất phong phú, từ những thông tin hữu ích, ý nghĩa và cả thông tin độc hại, trái ngược với chuẩn mực đạo đức, pháp luật, hình ảnh kinh dị, bạo lực, mê tín dị đoan… Trong cuộc sống hiện nay, công nghệ số phát triển nhanh chóng, bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nội dung độc hại trên mạng internet chứ không riêng trẻ em. Thế nhưng, trẻ em, thanh, thiếu niên là nhóm đối tượng đặc biệt, chưa đủ nhận thức và làm chủ được hành vi. Đồng thời cũng chưa thể phân biệt được đâu là nội dung có ích, phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy, việc hướng dẫn, giáo dục và quản lý, giám sát trẻ sử dụng mạng internet một cách an toàn, lành mạnh là điều vô cùng cần thiết.
Một trường hợp khác cho thấy sự thiếu quan tâm, thờ ơ của người lớn, để những hình mẫu, hành vi lệch chuẩn dần len lỏi vào suy nghĩ, nhận thức, tâm hồn non nớt của trẻ và nguy cơ định hình cả tương lai. Giữa tháng 12/2024, em V.D.B.K và em L.N.B.M đều sinh năm 2007, cùng trú tại xã Phong Phú (Tân Lạc) đã thực hiện hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ, đó là đi xe máy bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh, rồi đăng tải video clip lên mạng xã hội. Ngay sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã nhanh chóng triệu tập, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Sẽ ra sao nếu những video clip, hình ảnh với nội dung độc hại được chia sẻ rộng rãi, rồi thanh, thiếu niên học và làm theo những điều đó?
Trẻ em tiếp xúc sớm với những nội dung vô bổ, độc hại, không mang tính xây dựng hay giáo dục… sẽ dần hình thành niềm tin lệch lạc về ứng xử con người, giá trị đạo đức và cách sống. Tất nhiên, không ai cấm việc giải trí, thư giãn nhưng phải có giới hạn và định hướng chuẩn mực rõ ràng.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Thế nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là vai trò của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ trong việc đồng hành, bảo vệ, lắng nghe, che chở khi con em gặp bất kỳ khó khăn nào, hướng dẫn trẻ cách xử lý tình huống gặp phải phù hợp với độ tuổi. Người lớn cần chủ động hơn nữa để tạo dựng một tấm "lá chắn” bảo vệ sự an toàn của trẻ em trước những nguy hại của môi trường mạng, tránh trường hợp đã có hậu quả xảy ra mới quan tâm, quản lý con em thì đã quá muộn. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần sự chung tay để thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mĩ, có suy nghĩ, nhận thức, hành vi đúng đắn, phấn đấu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Linh Nhật