Thí sinh dự thi tuyển sinh tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Lai Châu.
Cách tiếp cận mới từ đề thi
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 tại tỉnh Lai Châu có 6.213 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 700 em so với năm 2024. Toàn tỉnh bố trí 26 điểm thi với 307 phòng thi. Thí sinh thi ba môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và thêm môn chuyên nếu đăng ký vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Sáng 26/5, gần 6.000 thí sinh đã tham dự môn thi Ngữ văn (vắng 233 thí sinh so với số lượng đăng ký). Đề thi năm nay gồm hai phần: đọc hiểu (4 điểm) sử dụng trích đoạn bài thơ Bác ơi của Tố Hữu, và phần viết với hai câu: một câu nghị luận văn học (2 điểm) phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ; một câu nghị luận xã hội (4 điểm) bàn về hiện tượng lạm dụng mạng xã hội trong học sinh.
Cô Lò Thị Thủy – giáo viên Ngữ văn Trường PTDTBT THCS xã Ka Lăng, huyện Mường Tè nhận định: “Đề thi năm nay không quá khó nhưng có khả năng phân loại học sinh. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đưa bài thơ "Bác ơi" vào đề thi là cách khơi gợi tình cảm và nhận thức chính trị của học sinh, rất ý nghĩa.”
Khơi gợi tư duy, hạn chế học thuộc lòng
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên toàn quốc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo định hướng chương trình mới, đề thi Ngữ văn cần hạn chế sử dụng văn bản đã học trong sách giáo khoa, khuyến khích ngữ liệu ngoài để đánh giá toàn diện năng lực học sinh.
“Bài thơ "Bác ơi" thuộc chương trình GDPT 2006 (lớp 12). Việc lấy văn bản ngoài chương trình sẽ giúp học sinh tránh học thuộc máy móc, buộc phải chủ động tư duy và sáng tạo. Bản thân tôi khi ôn thi cũng lồng ghép các văn bản ngoài chương trình, giúp học sinh làm quen và rèn kỹ năng đọc - hiểu, phân tích hiệu quả hơn”, cô Thủy chia sẻ thêm.
Học sinh tự tin với đề thi gắn thực tế
Em Lỳ Minh Hậu, học sinh lớp 9A2 Trường PTDTBT THCS Ka Lăng cho biết: “Mặc dù có nội dung không nằm trong chương trình đang học nhưng chúng em cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận. Thầy cô đã dạy cách làm quen với đề có ngữ liệu mới, nên em làm bài khá tự tin.”
Đề thi môn Ngữ Văn được đánh giá phù hợp với năng lực học sinh Lai Châu.
Còn em Hà Quỳnh Trang, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Quyết Tiến (TP. Lai Châu) đánh giá cao phần nghị luận xã hội trong đề: “Đề thi phản ánh đúng thực trạng lạm dụng mạng xã hội trong học sinh hiện nay. Em cảm thấy có cơ hội thể hiện chính kiến và hiểu rõ hơn về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội một cách tích cực.”
Trang dự thi để đăng ký vào Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu. Em cho biết đề thi cả ba môn đều không quá khó, phù hợp với năng lực bản thân. “Sau khi tham khảo đáp án và tự đánh giá, em hy vọng có thể đạt kết quả tốt để trúng tuyển nguyện vọng đã đăng ký”, Trang chia sẻ.
Hà Thuận