Thị trường bỏ ngỏ vì đâu?
Là điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước và quốc tế, nhưng du lịch đêm vẫn là một điểm yếu của ngành Du lịch Khánh Hòa. Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm ở thành phố Nha Trang chỉ dừng lại ở những khu chợ đêm. Tuy các khu chợ đêm này đang đem lại nguồn lợi về kinh tế xã hội, nhưng chưa có điểm nhấn để gây ấn tượng đến du khách.
Tiếp đến, các quán bar, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, chương trình biểu diễn ca nhạc phục vụ du khách…đa số dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, và thường kết thúc trước 23h30, nên không đủ sức “giữ chân” du khách.
Khi đồng hồ chỉ mới điểm 22h00, phố xá gần như vắng tanh, người dân đóng cửa đi ngủ, các dịch vụ lần lượt tắt đèn. Du khách muốn “thức” để tiêu tiền cũng khó. Đây chính là điểm yếu của du lịch đêm Khánh Hòa.
Chị Ngô Trâm (du khách TP.HCM) chia sẻ: “Trước khi tới Nha Trang, tôi đã lên diễn đàn du lịch để nhờ tư vấn các địa điểm chơi đêm. Câu trả lời mà tôi nhận được là chợ đêm, quán ăn khuya, quán bar…để mua sắm, uống bia. Có một số điểm hoạt động không công khai, không có sự quản lý của chính quyền địa phương, nên tôi không dám mạo hiểm, đành lựa chọn… đi ngủ sớm”.
Cũng giống như chị Trâm, nhiều du khách nội địa, quốc tế đã phải thở dài vì nếu không lên quán bar, pub… cũng chẳng biết đi đâu chơi suốt quãng thời gian ban đêm. Một số du khách tìm đến khu vực chợ đêm Nha Trang (khu vực công viên Trần Phú) được thí điểm mở đến 0h đêm. Hụt hẫng… là cảm xúc chung của du khách khi dạo vòng quanh khu chợ đêm này.
“Ẩm thực, đồ mỹ nghệ na ná nhau. Các chợ đêm như thế này, chúng tôi chỉ đi một lần là chán”, chị Thu Nhàn (du khách Phú Yên) cho biết.
Nhiều du khách không tiêu hết tiền vì các dịch vụ đêm còn đơn điệu.
Tại khu chợ đêm đường Trần Phú, không khí buổi tối sôi động, tấp nập khách tham quan nhiều hơn, nhưng đến 23h00, các sạp hàng bắt đầu thu dọn. Anh Đại Dương (tiểu thương sạp hàng lưu niệm) cho hay: Khách tới chợ đông vào những khung giờ từ 20h00 đến 23h00. Nhiều lúc khách đang lựa đồ, nhưng người bán hàng phải nhắc khéo cửa hàng đến giờ đóng cửa nên họ tỏ ra không vui, không mua.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - chuyên gia du lịch, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, khách du lịch, nhất là dòng khách quốc tế đã quen việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, nên dòng khách này cũng kỳ vọng sẽ được trải nghiệm những nét độc đáo ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm du lịch.
“Khánh Hòa không thiếu chất liệu để phát triển du lịch về đêm. Tuy nhiên, các sản phẩm còn đơn điệu, đang giới hạn trong các dịch vụ phục vụ ăn uống, mua sắm, thiếu các khu vui chơi giải trí hiện đại, thiếu dịch vụ khác như vận tải, thương mại, văn hóa nghệ thuật”, ông Thành nhận định.
Ông Thành cho rằng, sử dụng thời gian “muộn” một cách thông minh là cách thức thúc đẩy phát triển nền kinh tế ban đêm, điều đó sẽ đem lại sức bật mới cho kinh tế du lịch, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Tạo động lực mới cho phát triển xã hội từ kinh tế đêm
UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm với định hướng tổ chức các sự kiện thường niên mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của địa phương, trong đó định hướng tập trung xây dựng và phát triển kinh tế ban đêm trong 4 lĩnh vực, gồm: Hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống; mua sắm; các điểm tham quan du lịch về đêm.
Có thể thấy rõ, kinh tế đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phận dân cư, nhất là những người lớn tuổi còn băn khoăn với cụm từ “kinh tế đêm”.
Việc giữ chân du khách chi tiêu loại hình du lịch đêm là mục tiêu chiến lược của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và ngành Du lịch Khánh Hòa nói riêng.
Đối với họ, kinh tế đêm là các hoạt động trong vũ trường, quán bar, karaoke…và các tụ điểm này thường nhạy cảm và nhiều tiêu cực. Do đó, chính quyền địa phương cần phải làm tốt công tác truyền thông với người dân để xóa bỏ rào cản tư duy này.
Nhiều người dân bày tỏ quan điểm, nếu có thể trước khi triển khai mô hình này, cơ quan quản lý nhà nước nên thảo luận với người dân trong khu vực được chọn để tạo sự đồng thuận, hoặc hình thành một số khu riêng biệt để tôn trọng không gian sống cho cộng đồng dân cư.
Đó là chưa kể đến những khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội một khi kinh tế đêm được hình thành.
Để người dân quan tâm hơn về kinh tế đêm và tham gia vào các dịch vụ, các sản phẩm khai thác dòng sản phẩm du lịch không ngủ, thì thành phố phải có các quy chuẩn, quy trình cụ thể để người dân thực hiện.
Dưới góc độ của doanh nghiệp du lịch, chị Christina Nguyen - Founder Công ty lữ hành Zazen Travel cho hay, các đoàn khách có thu nhập cao và giới trẻ luôn quan tâm tới nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm. Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm là việc cần thiết. Trong đó, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
9 tháng năm 2024, ngành Du lịch Khánh Hòa đã đón 9 triệu lượt khách lưu trú, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 100% kế hoạch năm 2024). Tổng thu du lịch ước đạt 44.138,4 tỷ đồng, tăng 61,9% so với cùng kỳ (vượt 10% kế hoạch năm 2024).
Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 4,3 triệu lượt khách nội địa; phát huy hiệu quả số lượng phòng lưu trú hiện có (54.000 phòng); tạo ra 268.800 việc làm, trong đó có 89.600 lao động trực tiếp.
Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ đón 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách nội địa; có 70.000 phòng lưu trú, trong đó có 30 - 40% đạt chuẩn 3-5 sao; tạo ra 357.000 việc làm, trong đó có 119.000 lao động trực tiếp.
Hương Thảo