Để thu hút sinh viên học ngành nông nghiệp

Để thu hút sinh viên học ngành nông nghiệp
8 giờ trướcBài gốc
Học sinh tham gia Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Báo Đồng Nai tổ chức năm 2024. Ảnh: H.Yến
Không chỉ cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho sinh viên học ngành nông nghiệp mà cách tiếp cận trong tuyển sinh cũng cần thay đổi.
Nhu cầu nhiều, người học ít
Hiện nay, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động trong lĩnh vực NNPTNT có trình độ từ cao đẳng trở lên rất cao, gần 46 ngàn người/năm. Theo Bộ NNPTNT, tính đến năm 2025, nước ta cần 80 ngàn cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, 10 ngàn cán bộ quản lý nông nghiệp, 100 ngàn nông dân được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp, 60 ngàn người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Tại Đồng Nai, số công chức, viên chức, người lao động của ngành có trình độ đại học và sau đại học chiếm hơn 80%, số còn lại là viên chức có trình độ trung cấp và sơ cấp, chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng tại các đơn vị.
Hiện nay, nước ta có 52 cơ sở đào tạo các ngành/nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai là đơn vị đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực NNPTNT. Cơ sở đào tạo này đang tuyển sinh, đào tạo 16 ngành bậc đại học, trong đó các ngành thuộc lĩnh vực NNPTNT như: thú y, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ chế biến lâm sản, quản lý đất đai, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, quản lý tài nguyên và môi trường.
Phó giám đốc Sở NNPTNT Lê Văn Gọi cho rằng, nguồn nhân lực ngành NNPTNT đang gặp phải một số khó khăn, thách thức. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự ngang tầm với yêu cầu phát triển đặt ra và tiềm năng của ngành. Cùng với đó là thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn, OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), du lịch sinh thái... Một số lĩnh vực vẫn đang thiếu lao động qua đào tạo để đáp ứng cho yêu cầu phát triển.
“Đến thời điểm ngày 30-11-2024, cán bộ quản trị trong các hợp tác xã, chủ trang trại có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm tỷ lệ ít, chưa nói đến lao động kỹ thuật làm việc trực tiếp trong các tổ chức này càng thiếu so với yêu cầu đặt ra” - ông Gọi dẫn chứng.
Trong khi nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học tăng lên thì những năm gần đây, số sinh viên đăng ký học lĩnh vực NNPTNT tại các trường cao đẳng, đại học chiếm chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học toàn quốc. Hàng năm, các trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực này thường chỉ tuyển sinh được dưới 50% chỉ tiêu. Một số ngành nông nghiệp truyền thống gần như không có hoặc rất ít sinh viên đăng ký học.
Thêm chính sách, thay đổi cách tiếp cận trong tuyển sinh
Để thu hút người học trong lĩnh vực NNPTNT, Bộ NNPTNT đã chủ trì xây dựng đề án tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho sinh viên đăng ký học khối ngành này. Các chính sách được đề xuất gồm: Chính sách học bổng, miễn, giảm học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên học ngành NNPTNT; Nhà nước đảm bảo kinh phí đào tạo cho các cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản khó tuyển sinh; đầu tư tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản; ưu đãi nghề cho người làm việc trong ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản.
Đề án đề ra các chính sách đối với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong lĩnh vực NNPTNT. Tuy vậy, để thu hút người học thì trước mắt, các cơ sở đào tạo cần có những cách thức mới, thực tế hơn trong tiếp cận học sinh, tuyển sinh.
Theo tiến sĩ Phan Phương Loan, Trưởng khoa Nông nghiệp - tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học An Giang, truyền thông có vai trò quan trọng và cần thiết trong công tác tuyển sinh. Trong đó, việc cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác và thuận tiện để tra cứu ngành nghề đào tạo NNPTNT, thông tin tuyển sinh sẽ giúp thí sinh hiểu, tin tưởng và lựa chọn học khối ngành này. Phương pháp truyền thông cần được thực hiện sáng tạo, kết hợp giữa các kênh truyền thống với kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo…
Theo đại diện Sở NNPTNT, việc tiếp cận thông tin cần gắn với yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp nông thôn của các tỉnh và khu vực. Trên cơ sở đó, các trường cần rà soát xây dựng kế hoạch, điều chỉnh chương trình đào tạo vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính thực tiễn, trong đó tập trung vào các ngành mà yêu cầu phát triển kinh tế đang đặt ra hiện nay như: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, vấn đề du lịch sinh thái; đào tạo về kỹ năng xây dựng các chương trình dự án, đề án, truyền thông quảng bá…
Tại Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh (NLU), bên cạnh tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp trực tiếp, nhà trường đã tổ chức Chương trình “Một ngày làm sinh viên NLU”, giúp người học có được trải nghiệm thực tế, khơi dậy niềm đam mê trở thành sinh viên của trường.
Qua thống kê, số lượng sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tập trung chủ yếu đến từ khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, NLU đã có chính sách phù hợp về học phí, tín dụng học tập, tạo điều kiện để sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Hải Yến
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202502/de-thu-hut-sinh-vien-hoc-nganh-nong-nghiep-e64669b/