Hệ thống di sản đồ sộ
Theo thống kê, Thừa Thiên Huế có một hệ thống di sản văn hóa vật thể đồ sộ với gần 1.000 di tích, địa điểm di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Đây cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam có 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Festival Huế 2024 được tổ chức ở điện Kiến Trung – cung điện quan trọng trong Hoàng cung Huế.
Không những vậy, Thừa Thiên Huế là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị từ lao động, sáng tạo và văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống bao đời như: Làng gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh dân gian Làng Sình, dệt Zèng A Lưới...
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực độc đáo với trên 1.300 món ăn cung đình và dân gian phong phú, hấp dẫn, thể hiện nét tinh tế và cốt cách trong cách chế biến cũng như thưởng thức các món ăn của người Huế, theo thời gian trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Huế.
Thừa Thiên Huế còn là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật... Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã và đang được gìn giữ và phát huy giá trị.
Những năm gần đây, các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số đã và đang tiếp tục được đầu tư sưu tầm, khôi phục, phát huy và phát triển, đưa vào khai thác để phát triển du lịch văn hóa.
Lễ rước bằng thuyền rồng trên sông Hương trong khuôn khổ lễ hội điện Huệ Nam.
Cùng với các di sản thế giới, di tích lịch sử và cách mạng kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế, văn hóa ẩm thực Huế và nhiều làng nghề truyền thống và đang được bảo tồn, khôi phục và phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế trong thời hiện đại.
Vùng đất của những lễ hội
Hơn 2 thập kỷ qua, với quyết tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như mong muốn hội nhập với dòng chảy văn hóa của nhân loại, nhiều chủ trương, chính sách được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế được tôn vinh là vùng đất của lễ hội (TP Huế là thành phố Festival của Việt Nam) với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất.
Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế 2024.
Đặc biệt, Festival Huế diễn ra vào các năm chẵn và Festival Nghề truyền thống diễn ra vào các năm lẻ với những chuỗi hoạt động văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế sôi động, đa dạng, phong phú đã được trình diễn trong các kỳ Festival đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Huế trong nước và quốc tế.
Nét đặc sắc và riêng có là vùng đất Cố đô Huế với hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống đã được lưu giữ, hiện được khôi phục và phát huy, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng dân cư cũng như cho phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ.
Tiêu biểu như Lễ hội cung đình Huế (Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Đàn Xã Tắc, Lễ Truyền Lô, Lễ tế Văn Miếu) và các Lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Quán Thế Âm…
Lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, đu tiên Phong Hiền, Lễ hội Làng Chuồn, Lễ hội đua ghe, lễ hội thả diều) và nhiều lễ hội khác như Lễ hội Đền Huyền Trân…
Hiện nay, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh; hệ thống di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh... được giữ gìn và tôn tạo; các loại hình nghệ thuật (Cung đình, dân gian, truyền thống) được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị.
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh. Đến năm 2025 xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
H.Dũng