Để thực thi pháp luật không còn là 'khâu yếu'!

Để thực thi pháp luật không còn là 'khâu yếu'!
2 ngày trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh
Nhiều quy định ở các văn bản dưới luật còn có cách hiểu khác nhau
Về nguyên tắc, VBQPPL được nhà nước ban hành và có hiệu lực thi hành, thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất cứ quy định nào hay văn bản pháp luật nào do Nhà nước ban hành ra đều được thi hành một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác, mà còn phụ thuộc vào các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Và không ít trường hợp, việc thực hiện tổ chức thi hành pháp luật của chúng ta vẫn chưa bảo đảm yêu cầu.
Thực tế này cũng đã được chỉ rõ trong Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là “khâu yếu”, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, điều này chưa phù hợp với mục tiêu ban hành luật.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các VBQPPL hiện nay chưa xác định rõ các hoạt động nào thuộc về tổ chức thi hành pháp luật và quy định trách nhiệm nghĩa vụ thực hiện cho các chủ thể. Do đó, dẫn đến công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa đạt hiệu quả thực chất.
Nhìn nhận về hạn chế trong thi hành pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cũng thẳng thắn chỉ rõ, thực tế thời gian qua cho thấy, trong quá trình tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều quy định ở các văn bản dưới luật còn có cách hiểu khác nhau, cần thiết phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm việc áp dụng được thống nhất. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm hướng dẫn. Đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan thực thi, cũng như cơ quan hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh thông tin thêm.
Bảo đảm các cơ quan, tổ chức hiểu đúng, thống nhất quy định trong VBQPPL
Để khắc phục tình trạng tổ chức thi hành pháp luật “vẫn là khâu yếu”, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định một chương hoàn toàn mới, đó là chương Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, dự thảo Luật quy định gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Xây dựng cơ chế thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật sau ban hành để kịp thời nhận diện, xử lý hiệu quả những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thi hành và báo cáo hoặc cung cấp thông tin về tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định Chương XV và Chương XVI Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giám sát, kiểm tra, xử lý, hợp nhất, pháp điển, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Trong đó, quy định rõ đối tượng kiểm tra, thẩm quyền, phương thức, căn cứ thực hiện kiểm tra văn bản, nội dung kiểm tra văn bản, việc xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả; bổ sung quy định về việc tự kiểm tra văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành...
Bên cạnh các quy định về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật bổ sung quy định về hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Mục đích của việc hướng dẫn là bảo đảm các cơ quan, tổ chức hiểu đúng và thống nhất quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan, tổ chức có thể căn cứ vào nội dung hướng dẫn để quyết định việc áp dụng pháp luật cho từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm đối với việc áp dụng pháp luật của mình.
Với các quy định về hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như dự thảo Luật, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, sẽ giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn và không tốn kém chi phí, nhân lực để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Theo chương trình Kỳ họp thứ Chín, dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày mai (19.2). Mong rằng, với những điểm mới được bổ sung về trách nhiệm của của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành VBQPPL sẽ góp phần khắc phục tình trạng khâu tổ chức thi hành pháp luật “vẫn là khâu yếu” - điểm nghẽn kéo dài trong thực thi pháp luật thời gian qua.
Song Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/de-thuc-thi-phap-luat-khong-con-la-khau-yeu-post404926.html