Để tiếp tục khẳng định giá trị cây sắn

Để tiếp tục khẳng định giá trị cây sắn
10 giờ trướcBài gốc
Bà con bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát) thu hoạch sắn.
Vẫn phải ổn định diện tích
Ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát, thời gian qua, cây sắn là cây trồng chủ lực, đem lại cơ hội giúp đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... xóa đói, giảm nghèo. Năm 2024, toàn huyện Mường Lát trồng được 3.062,91ha sắn, đạt 102% kế hoạch giao. Hiện nay, bà con đang tiến hành thu hoạch với diện tích 2.450ha, phấn đấu đến cuối tháng 2/2025, huyện Mường Lát sẽ thu hoạch xong.
Từ cuối tháng 11/2024, bà con dân tộc Mông ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung của huyện bước vào vụ thu hoạch sắn nguyên liệu. Năm 2024, bản có 240ha sắn, sản lượng dự kiến đạt khoảng 6.000 tấn. Giá sắn hiện được thương lái thu mua khoảng 1.400 - 1.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với năm 2023. Bí thư chi bộ bản Suối Lóng Sùng A Phàng cho biết: "Năm nay cây sắn được mùa nhưng mất giá. Rất mong các cấp, ngành và các công ty, nhà máy ổn định về giá cả để bà con yên tâm gắn bó với cây sắn".
Bản Lốc Há, xã Nhi Sơn có khoảng 150ha sắn, hiện bà con đã thu hoạch 50% diện tích. Bí thư kiêm trưởng bản Lốc Há Gia Pó Nại, chia sẻ: "Những năm qua, cây sắn là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, năm 2024, giá thu mua giảm nhiều. Bà con đang hy vọng có sự thay đổi về giá để giúp người dân tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế...".
Xã Nhi Sơn hơn 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Toàn xã có hơn 270ha sắn, hiện hơn 50% diện tích đã được thu hoạch. Theo ông Lê Hữu Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, thì: “Mặc dù giá sắn nguyên liệu thấp hơn so với năm 2023 nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hoạch sắn đồng thời áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giữ vững ổn định diện tích trồng sắn”.
Giá sắn nguyên liệu năm 2024 tại huyện Mường Lát khoảng 1.400 - 1.500 đồng/kg.
Để bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho người dân, UBND huyện Mường Lát đã phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà máy chế biến sắn trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: "Trong năm 2025, đối với phát triển cây sắn nguyên liệu, huyện Mường Lát duy trì ổn định diện tích. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng với các công ty, đơn vị thu mua liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để bảo đảm đầu ra cũng như ổn định giá; đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trồng sắn, giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận...".
Phát triển các vùng trồng sắn tập trung quy mô lớn...
Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa trồng hơn 14.357,67ha sắn, sản lượng ước đạt 244.086 tấn. Cây sắn được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Thọ Xuân... với các giống sắn trồng phổ biến KM140, KM94. Tổng diện tích sắn toàn tỉnh đã thu hoạch đến ngày 10/2/2025 là 11.618,9 ha/14.357,67 ha, đạt 80,9% diện tích; diện tích sắn trồng mới niên vụ 2025 đạt 733,5ha. Các nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thu mua củ sắn nguyên liệu với giá giao động từ 1.600 - 2.000 đồng/kg.
"Quy mô sản xuất sắn trong những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh khá ổn định, cây sắn đã khẳng định được vị trí trong cơ cấu cây trồng của tỉnh với diện tích hàng năm đều ổn định từ 13.000ha trở lên, trong đó chủ yếu là sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến. Diện tích trồng sắn của tỉnh ta đứng thứ 11/39 tỉnh thành cả nước có diện tích trồng sắn, đứng 3 khu vực Bắc và Bắc Trung bộ (sau Sơn La và Nghệ An). Sản xuất sắn đã chuyển từ sản xuất lương thực sang sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghệ chế biến; theo đó mô hình tăng trưởng có sự thay đổi đáng kể từ tự túc, tự phát sang sản xuất theo hợp đồng, gắn với chế biến mang tính hàng hóa cao", ông Vũ Quang Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho biết.
Sắn được tập kết, thương lái thu mua dọc Quốc lộ 15C đoạn qua bản Chim, xã Nhi Sơn (Mường Lát).
Định hướng sản xuất niên vụ 2025-2026, diện tích trồng sắn toàn tỉnh ổn định 13.500ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng 230.000 tấn. Ngành nông nghiệp chỉ đạo, khuyến khích phát triển các vùng trồng sắn tập trung quy mô lớn thông qua việc cùng chuyển đổi cơ cấu trên một cánh đồng, chuyển đổi ruộng đất, tích tụ tập trung đất đai. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp, trưởng thôn, trưởng bản, các chủ hộ có diện tích sắn lớn, vận động hình thành các tổ, nhóm ký hợp đồng sản xuất nguyên liệu với các công ty ngay từ đầu vụ; từ đó tiếp nhận và chuyển giao kiến thức khoa học - kỹ thuật; xây dựng kế hoạch trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển chặt chẽ với nhà máy; phân chia chi phí, lợi nhuận công bằng, công khai, minh bạch... Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025...
Bài và ảnh: NGỌC HUẤN
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/de-tiep-tuc-khang-dinh-gia-tri-cay-san-35703.htm