Để tiểu thương yên tâm kinh doanh

Để tiểu thương yên tâm kinh doanh
9 giờ trướcBài gốc
ĐBP - Thuế khoán là hình thức thu thuế phổ biến đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, thiếu minh bạch và công bằng. Vì vậy, chuyển sang thu thuế theo doanh thu thực tế gắn với hóa đơn điện tử là bước cải cách đột phá. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, lúng túng, do chưa quen với công nghệ và quy trình mới, đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời, sát sao từ các cơ quan chức năng để tiểu thương yên tâm chuyển đổi và kinh doanh.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại xã Mường Nhé.
Thuế khoán được xác định dựa trên ước tính doanh thu, lợi nhuận và điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh. Mặc dù cách tính này tiện lợi cho công tác quản lý trong điều kiện thiếu dữ liệu, nhưng lại tiềm ẩn nhiều bất công. Nhiều tiểu thương cho biết, họ vẫn phải nộp thuế khoán đều đặn hàng tháng, kể cả khi hàng hóa ế ẩm, sức mua giảm sút. Một số trường hợp có sự chênh lệch trong mức khoán giữa các cửa hàng cùng loại, cùng quy mô, tạo ra sự thiếu công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, tiểu thương phường Mường Thanh mỗi tháng nộp khoảng 600 nghìn đồng tiền thuế. Tuy nhiên, điều khiến bà băn khoăn là mức thuế này được ấn định cố định và không phản ánh đúng thực tế. Bởi có những thời điểm, việc kinh doanh ế ẩm, khách vắng, thậm chí doanh thu chỉ bằng một nửa so với bình thường, thế nhưng mức thuế khoán vẫn không thay đổi, không được xem xét giảm trừ. Việc áp dụng mức thuế khoán mà không tính đến biến động trong hoạt động kinh doanh khiến nhiều tiểu thương gặp khó khăn.
Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ năm 2026. Cùng với đó, Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ quy định, từ ngày 1/6/2025, các cơ sở kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, bỏ nộp thuế khoán và chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000 hộ kinh doanh. Việc chuyển từ thuế khoán sang hình thức thuế dựa trên doanh thu thực tế là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế minh bạch. Việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế nắm bắt chính xác hơn hoạt động kinh doanh của hộ cá thể. Đồng thời, chính sách thuế dựa trên thực thu cũng khuyến khích sự minh bạch, công bằng giữa các hộ kinh doanh, tránh tình trạng “người làm ít nộp nhiều, người làm nhiều lại trốn thuế”.
Tuy nhiên, khi chính sách thuế mới được áp dụng, nhiều hộ kinh doanh tại Điện Biên vẫn còn lúng túng, chưa kịp thích nghi. Một số tiểu thương phản ứng bằng cách điều chỉnh giá bán. Cá biệt, một số tiểu thương tại các chợ như: Noong Bua, chợ Trung tâm 1, Trung tâm Thương mại Him Lam Plaza và một số cửa hàng dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh... còn đóng cửa tạm ngừng kinh doanh do lo ngại thay đổi. Không ít trường hợp tìm cách “né” thuế điện tử, như treo biển “chỉ nhận tiền mặt”, từ chối thanh toán qua chuyển khoản hoặc cố tình hướng dẫn khách ghi nội dung giao dịch không rõ ràng.
Chị L.T.T., tiểu thương tại chợ Noong Bua, cho biết kể từ ngày 1/6 khi quy định mới về kê khai thuế điện tử có hiệu lực, nhiều hộ kinh doanh tại chợ hoang mang, lo lắng. Do chưa nắm rõ quy trình kê khai, sử dụng máy tính tiền hay xuất hóa đơn điện tử, không ít người chọn cách tạm đóng cửa để tránh rủi ro. “Bản thân tôi cũng như một số người lo sợ mình không tuân thủ đúng quy định sẽ bị xử phạt, nên tạm ngừng bán hàng để nghe ngóng tình hình, vừa là để chờ đợi thêm thông tin, vừa là để chuẩn bị nếu phải thay đổi cách kinh doanh” - chị T. chia sẻ.
Đại diện Chi cục Thuế khu vực IX (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) khẳng định, hành vi treo biển “chỉ nhận tiền mặt” hoặc nội dung chuyển khoản ghi mập mờ, ví dụ “trả tiền vay”, “tiền ship”... không làm giảm nghĩa vụ thuế mà ngược lại còn trở thành dấu hiệu nghi ngờ hành vi che giấu doanh thu. Đối với những trường hợp người bán yêu cầu thu thêm tiền của người mua nếu thanh toán bằng hình thức chuyển còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thay vì tìm cách “né” thuế, điều cần thiết lúc này là các hộ kinh doanh chủ động thích nghi với quy định mới, hiểu đúng chính sách và hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Việc xóa bỏ thuế khoán đánh dấu bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách thuế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Khi được triển khai hiệu quả, chính sách này không chỉ giúp tiểu thương yên tâm sản xuất, kinh doanh, mà còn thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại các địa phương, đặc biệt ở những tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên, vẫn gặp không ít trở ngại. Phần lớn tiểu thương nơi đây chưa quen với công nghệ số, hạn chế về kỹ năng sử dụng phần mềm và kê khai điện tử.
Để có thể áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, các hộ kinh doanh phải đầu tư máy tính tiền, máy in hóa đơn, phần mềm bán hàng phù hợp, đăng ký, cài đặt hệ thống. Sau đó, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để được cấp chữ ký số, tích hợp hóa đơn điện tử. Chỉ khi hoàn tất các bước này và được cơ quan thuế phê duyệt, hộ kinh doanh mới có thể chính thức phát hành hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Đây là quá trình không chỉ đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu, mà còn yêu cầu tiểu thương phải làm quen với thao tác nghiệp vụ hoàn toàn mới - điều không hề dễ dàng với những người vốn quen bán hàng truyền thống.
Đối với các tiểu thương kinh doanh vùng sâu, vùng xa, việc áp dụng hóa đơn điện tử gặp khó khăn. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại cửa hàng tạp hóa xã Sín Thầu.
Để tiểu thương yên tâm kinh doanh và hưởng ứng chính sách thuế mới, cần có lộ trình rõ ràng, tránh gây xáo trộn đột ngột. Cơ quan chức năng cũng cần thiết lập hệ thống tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và phổ biến thông tin đầy đủ để hộ kinh doanh hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ trong cơ chế thuế mới. Ngoài ra, cần xem xét miễn, giảm thuế tạm thời đối với những hộ gặp khó khăn đặc biệt (do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh...). Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có trang thiết bị máy tính, ở vùng sâu, vùng xa, thì cần có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt trong triển khai chính sách thuế mới. Khi người dân hiểu, sẽ tin tưởng và đồng thuận với chủ trương, chính sách mới.
Là tiểu thương kinh doanh tại chợ Trung tâm 1, phường Điện Biên Phủ hơn 10 năm nay, với bà Nguyễn Thị Vân, việc khởi tạo hóa đơn điện tử máy tính tiền là một quy trình thanh toán mới, cần thời gian để học hỏi. Tuy nhiên, bà cũng nhận thức được việc làm này là cần thiết, mang đến nhiều tiện ích cho việc buôn bán. Trước đây bà có thuế khoán ấn định. Giờ đây, khi bỏ thuế khoán, bà đã thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. “Việc bỏ hình thức thuế khoán cũng có lợi cho tiểu thương. Bởi, theo hình thức thuế khoán thì có doanh thu hay không thì hộ kinh doanh vẫn phải nộp. Bây giờ, cơ sở kinh doanh phải có doanh thu thực tế thì mới phải nộp thuế” - bà Vân cho biết.
Theo quy định, đến năm 2026, tất cả các hộ, cá nhân kinh doanh phải chuyển sang kê khai theo doanh thu thực tế. Hiện nay, dù chưa bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử với mọi đối tượng (trừ hộ kinh doanh có thu nhập từ 1 tỷ đồng), nhưng việc chuẩn bị sớm - từ nhận thức, kỹ năng tới công cụ - rất cần thiết. Bởi vì, hiểu đủ để làm đúng không chỉ giúp tuân thủ pháp luật, mà còn giúp hộ kinh doanh yên tâm sản xuất, buôn bán bền vững trong giai đoạn chuyển đổi.
Quốc Huy
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/de-tieu-thuong-yen-tam-kinh-doanh