Người dân đến đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: A.Nhơn
Để việc triển khai Luật TTATGT đường bộ năm 2024 có hiệu quả, Sở Tư pháp vừa tổ chức hội nghị tập huấn triển khai bộ luật này cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Qua đó, giúp đội ngũ này nắm bắt tốt các quy định pháp luật để tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức ở nơi công tác và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Những điểm mới, vấn đề lưu ý
Tại hội nghị tập huấn, trung tá Lê Trần Bảo Khoa (cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) đã tập trung triển khai những nội dung cơ bản, điểm mới và vấn đề lưu ý của Luật TTATGT đường bộ năm 2024.
Cụ thể, luật quy định 15 hạng giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh đến 125cm3. Hạng A cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3 và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1. Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.
Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B. Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7,5 tấn; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B và hạng C1…
Việc phân hạng GPLX trên là phù hợp với Công ước quốc tế năm 1968 về giao thông đường bộ (gọi tắt Công ước Viên năm 1968). Điều này nhằm luật hóa các quy định về phân hạng GPLX quy định tại Công ước Viên năm 1968, bảo đảm cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký kết, gia nhập công ước; tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Viên và không mất chi phí đổi, học để được cấp GPLX. Đồng thời, cũng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, khách nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, tham quan, du lịch, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế, phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX.
Thời gian qua, tình trạng vi phạm TTATGT và tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nhiều học sinh điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đến trường nhưng chưa đủ điều kiện, chưa hiểu hết các quy định của pháp luật về TTATGT, ý thức tham gia giao thông chưa cao, kỹ năng điều khiển phương tiện còn yếu và tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về TNGT. Do vậy, vấn đề trên đã được “luật hóa” trong Điều 6 Luật TTATGT đường bộ năm 2024 (Điều 6) quy định về giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ.
Ngoài ra, điểm mới của Luật TTATGT đường bộ năm 2024 là người điều khiển phương tiện có thể xuất trình giấy tờ qua tài khoản định danh điện tử. Khi thông tin của các giấy tờ (chứng nhận đăng ký xe; chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; GPLX...) đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) thì lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VneID, có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó (khoản 3, Điều 56). Trong quá trình xử lý vi phạm mà người vi phạm xuất trình giấy tờ qua VNeID thì lực lượng chức năng sẽ tạm giữ, tước giấy tờ trên môi trường điện tử...
Luật TTATGT năm 2024 quy định về quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hình thành trên cơ sở huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội. Quỹ này được quy định trong luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả vụ TNGT, giảm thiểu thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra. Quỹ sẽ dùng để hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ TNGT, thân nhân, gia đình của người bị nạn để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống…
Để pháp luật đi vào cuộc sống
Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, Luật TTATGT đường bộ năm 2024 là một trong những luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xã hội văn minh và an toàn. Việc triển khai tốt luật này sẽ góp phần giảm thiểu TNGT, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; góp phần bảo đảm TTATGT, từ đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, giảm bớt gánh nặng cho xã hội và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, việc triển khai và thực thi Luật TTATGT năm 2024 không phải là một công việc đơn giản, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các sở, ban, ngành.
Do đó, Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương bày tỏ mong muốn những điểm mới, nội dung quan trọng về Luật TTATGT đường bộ năm 2024 được triển khai tại Hội nghị Tập huấn báo cáo viên pháp luật quý IV-2024 sẽ giúp đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nắm bắt tốt các quy định pháp luật. Từ đó tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nơi công tác và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong thời gian tới.
An Nhơn