PGS.TS. Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhận định rằng trong suốt 10 năm qua, tiến trình tự chủ đại học diễn ra chậm hơn kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là nhận thức chưa đúng và đầy đủ về khái niệm tự chủ. Nhiều cơ sở giáo dục và cả xã hội vẫn hiểu tự chủ theo nghĩa "tự lo", khi Nhà nước ban hành chính sách trao quyền nhưng đồng thời lại cắt giảm ngân sách đầu tư, khiến các trường phải xoay xở trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ phía cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, mô hình quản trị nội bộ cũng đang là rào cản lớn. Tại nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các thiết chế như hội đồng trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu, làm giảm hiệu quả trong điều hành và ra quyết định.
Dự thảo tờ trình Chính phủ về chính sách Dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), công bố tháng 5/2025, cũng đã chỉ rõ bất cập này. Theo đó, Hội đồng trường tại nhiều trường đại học hoạt động còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định. Trong khi đó, Luật hiện hành lại thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể dưới luật, dẫn đến mỗi trường hiểu và thực hiện theo cách khác nhau.
Theo các chuyên gia, quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 chỉ rõ, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học, có vai trò quyết định các vấn đề chiến lược, đảm bảo thực thi tự chủ và dân chủ trong quản trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại không ít cơ sở, hội đồng trường hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản trị của nhiều thành viên còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ra quyết định và hiệu quả điều hành. Đây chính là một trong những hạn chế làm cản trở tiến trình tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay.
Cần giải quyết nhiều điểm nghẽn liên quan tới tự chủ đại học
Để khắc phục những vấn đề trên, được biết tại dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), nhóm chính sách đang được xây dựng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến. Ông Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, dự thảo Luật dự kiến sẽ quy định rõ vai trò của hội đồng trường trong việc thực hiện chức năng quản trị cơ sở giáo dục đại học, đồng thời bảo đảm có sự tham gia của đại diện các bên liên quan. Bên cạnh đó, dự thảo cũng làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng và người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và quản trị nội bộ.
Một vấn đề khác, quyền tự chủ của các trường đại học tuy được quy định tại nhiều nội dung trong Luật Giáo dục đại học hiện hành, nhưng trên thực tế vẫn chịu ràng buộc bởi mức độ tự chủ tài chính. Các trường công lập muốn thực hiện tự chủ đều phải xây dựng đề án và trình cơ quan chủ quản phê duyệt, trong khi nhiều quyền hạn quan trọng như tổ chức bộ máy hay thực hiện nhiệm vụ lại phụ thuộc vào khả năng tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Cách tiếp cận này dẫn đến bất bình đẳng giữa các trường, khi những cơ sở có tiềm lực tài chính được trao nhiều quyền hơn, còn các trường còn khó khăn thì bị hạn chế về phạm vi tự chủ. Điều này không chỉ tạo áp lực tăng học phí, ảnh hưởng đến người học mà còn làm giảm động lực đổi mới ở chính các cơ sở giáo dục.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận việc lấy tài chính làm thước đo tự chủ là bất cập, cần điều chỉnh trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, mức độ tự chủ của các trường cần được thiết kế độc lập với khả năng tài chính, Nhà nước sẽ xem xét cơ chế đặt hàng hoặc hỗ trợ thông qua người học để giúp các trường thực hiện quyền tự chủ một cách đầy đủ và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trong lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học sắp tới, một trong những vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang đề nghị chỉnh sửa đó là quy định giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách, điều này cũng nhằm khắc phục những vướng mắc trong quy trình, thủ tục xin phê duyệt các dự án hợp tác với nước ngoài, qua đó góp phần giúp các cơ sở giáo dục đại học giải quyết một phần bài toán về tài chính.
Cũng không ít ý kiến cho rằng, tự chủ đại học không phải là tự phát, càng không thể là buông lỏng quản lý, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để Nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo xây dựng chuẩn chung, giám sát chất lượng đầu ra, thay vì can thiệp sâu vào quá trình vận hành của từng trường. Cùng với đó, các trường cần xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng từ bên trong, củng cố mô hình quản trị hiện đại, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình với người học và xã hội.
Hồng Quang