Để văn hóa tuân thủ pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử

Để văn hóa tuân thủ pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử
2 ngày trướcBài gốc
Cần nâng cao nhận thức về văn hóa tuân thủ pháp luật. Ảnh minh họa
Theo Bộ Tư pháp, lần đầu tiên, cụm từ "văn hóa tuân thủ pháp luật" được đề cập trong Thông báo số 108-KL/TW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu: "Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp".
Tại hội thảo với chủ đề "Bàn về nội hàm, tiêu chí đánh giá, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật" do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật không chỉ là mục tiêu, mà còn là giải pháp để thúc đẩy quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Văn hóa pháp luật phải trở thành nền tảng đạo đức sống và chuẩn mực ứng xử trong mỗi tổ chức, mỗi công dân.
Theo ông Phan Hồng Nguyên, để hiểu đúng khái niệm "văn hóa tuân thủ pháp luật", cần làm rõ hai yếu tố nền tảng: "văn hóa" và "tuân thủ pháp luật". Văn hóa là kết tinh của tri thức, đạo đức, lối sống và giá trị. Còn tuân thủ pháp luật không đơn thuần là hành vi không vi phạm, mà là thái độ sống có trách nhiệm, chủ động và tự giác đối với quy định của pháp luật.
Từ đó, văn hóa tuân thủ pháp luật được hiểu là "thói quen, lối sống, giá trị, chuẩn mực, niềm tin và hành vi được hình thành, duy trì và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng, thể hiện thái độ tích cực và ý thức tự giác, chủ động của cá nhân, tổ chức trong thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật, đồng thời không thực hiện những điều mà pháp luật cấm".
Đối với cộng đồng, môi trường văn hóa pháp lý được phản ánh qua việc: "Các hành vi đúng pháp luật trở thành thói quen ứng xử phổ biến; các thiết chế như gia đình, nhà trường, tổ dân phố góp phần giáo dục pháp luật; cơ quan nhà nước thực thi công vụ minh bạch; người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách văn minh, có trách nhiệm".
Còn theo GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cần phải cắt nghĩa được giữa ý thức pháp luật, tuân thủ pháp luật và văn hóa tuân thủ pháp luật. Tuân thủ pháp luật chỉ là một phần của văn hóa tuân thủ pháp luật.
GS.TS Nguyễn Minh Đoan, Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận văn hóa tuân thủ pháp luật là tình cảm không khoan dung với những hành vi vi phạm pháp luật; có thái độ đúng đối với pháp luật (không sợ hãi, không coi thường pháp luật), không tẩy chay, khích bác, cản trở những người tích cực tham gia các hoạt động pháp luật…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật còn phức tạp, đặc biệt là tội phạm mạng, vi phạm dân sự, hành chính. Nhiều địa phương còn chậm tiếp cận thông tin pháp luật, cán bộ chưa gương mẫu, công tác phổ biến còn hình thức, chưa tạo thành thói quen tự giác tuân thủ trong người dân...
Do đó, để văn hóa tuân thủ pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử, trước tiên cần nâng cao dân trí, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật dễ hiểu, dễ tiếp cận và công khai, minh bạch, sát thực thế, phù hợp với lợi ích của đại đa số người dân, bảo đảm tính công bằng;
Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân một cách gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ… Đặc biệt, người dân cũng cần nỗ lực để không ngừng học hỏi để nâng cao nhận thức về pháp luật một cách đầy đủ…
Thùy Linh
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/de-van-hoa-tuan-thu-phap-luat-tro-thanh-chuan-muc-ung-xu-102250415101858614.htm