Nông dân cần vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Phan Văn Oanh cho biết: “Kế hoạch vụ ĐX 2024-2025, toàn xã xuống giống 4.020ha lúa, đến thời điểm này xuống giống khoảng 300ha (chủ yếu ở các khu vực vùng cao và một số diện tích có đê bao). Nguyên nhân xuống giống lúa vụ ĐX 2024-2025 chậm so với tiến độ đề ra là nước lũ rút chậm".
Anh Nguyễn Văn Nhớ (ấp Rượng Lưới, xã Vĩnh Thuận) chia sẻ: “So với trung bình hàng năm, vào thời điểm này, gia đình đã xuống giống lúa vụ ĐX, còn năm nay do nước lũ rút chậm nên hiện tại 8ha đất chưa thể xuống giống được mặc dù giống, thuốc, phân bón,... đã sẵn sàng”.
Theo kế hoạch, vụ lúa ĐX 2024-2025, toàn huyện xuống giống 37.000ha. Đến thời điểm này, nông dân xuống giống được hơn 11.000ha (gần 7.500ha giai đoạn mạ, hơn 800ha giai đoạn đẻ nhánh, hơn 2.700ha giai đoạn đòng trổ), đạt gần 30% kế hoạch, chủ yếu ở các xã vùng cao và một số diện tích có đê bao.
Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo số diện tích nằm trong hệ thống đê bao, nông dân cần chủ động bơm rút nước gieo sạ theo lịch thời vụ, cày trục vệ sinh đồng ruộng và diệt chuột, ốc bươu vàng để hạn chế nguồn sâu, bệnh phát sinh, lây lan; tập trung gieo sạ đợt 3 từ ngày 13 đến 28/12.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, để bảo đảm sản xuất vụ ĐX 2024-2025 thắng lợi, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị của huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ theo đúng lịch thời vụ. Chủ động kiểm tra, rà soát lại hệ thống thủy lợi, đê bao lửng trên địa bàn sau lũ để có kế hoạch nạo vét, duy tu, sửa chữa, bảo đảm phục vụ sản xuất. Các đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương của huyện về vấn đề bố trí thời vụ, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tham gia sản xuất theo cánh đồng lớn.
Nông dân cần chọn giống phù hợp để mang lại hiệu quả cao. Cơ cấu giống, nhóm giống chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM18, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9,...; nhóm giống bổ sung thích hợp một số vùng sản xuất đặc thù, phù hợp tập quán canh tác, có thị trường hẹp: OM576, OM6162, RVT, VD20, nếp IR4625, ST24,...; nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản đang có tỷ lệ gia tăng trong cơ cấu giống chung: Jasmine 85, ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9, nếp IR4625,…; các giống lúa chịu phèn, mặn: OM6976, OM5451, OM1352,...
Ngoài ra, ngành chuyên môn tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai ứng dụng các mô hình công nghệ cao vào sản xuất; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất giảm phát thải, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp; triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm lượng giống, thuốc trừ sâu, phân bón, tiết kiệm nước tưới, áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến./.
Văn Đát