Đề xuất 2 phương án đặt tên xã, phường sau sắp xếp ở Hà Nội

Đề xuất 2 phương án đặt tên xã, phường sau sắp xếp ở Hà Nội
21 giờ trướcBài gốc
Chiều 3/4, Thường trực Thành ủy, HĐND TP, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý 1/2025 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã để bàn về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và tăng cường quản lý đất đai.
Ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo về việc triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận 128-KL/TƯ ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ.
Trong đó, ông Cảnh thông tin về dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố do Sở Nội vụ xây dựng.
Theo dự thảo, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp của Hà Nội giảm khoảng 50% so với trước đó.
Hà Nội sắp xếp giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Hoàng Hà
Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỷ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã.
Về cách đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp, dự thảo đề xuất 2 phương án.
Thứ nhất, đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...
Thứ 2, Hà Nội đề xuất cách đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô.
Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).
Dự thảo cũng nêu các nguyên tắc xác định trung tâm hành chính. Theo đó, thành phố sẽ lựa chọn trung tâm hành chính của một trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay là trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới.
Trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các đơn vị hành chính khác trong thành phố, kết nối giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư trong đơn vị hành chính đó.
Trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
N. Huyền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/de-xuat-2-phuong-an-dat-ten-xa-phuong-sau-sap-xep-o-ha-noi-2387625.html