Bộ Tư pháp vừa tiếp nhận hồ sơ dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VPQPPL) để thẩm định theo thẩm quyền.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1-4. Tuy nhiên, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi sửa đổi thì sẽ không còn đơn vị hành chính trung gian (cấp huyện), chỉ còn cấp xã và cấp tỉnh. Do đó, việc sửa đổi bổ sung Luật ban hành VNQPPL là cần thiết.
Cấp xã được quyền ban hành VBQPPL
Khi bỏ cấp chính quyền huyện, cấp xã sẽ đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay.
Một kỳ họp của HĐND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Do đó, chính quyền địa phương cấp xã được ban hành VBQPPL để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra liên quan phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã. Vì vậy, tại điều 4 của dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện; bổ sung vào là HĐND, UBND cấp xã được quyền ban hành VBQPPL.
Theo đó, HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.
Đối với những nghị quyết hoặc quyết định của HĐND, UBND cấp huyện được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ của cơ quan, người có thẩm quyền.
Về phương án xử lý VBQPPL của cấp huyện, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất hai phương án là: Phương án 1: HĐND, UBND cấp tỉnh tự bãi bỏ VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện. Phương án 2 là HĐND, UBND cấp xã khi ban hành VBQPPL đồng thời đề xuất HĐND, UBND cấp tỉnh bãi bỏ VBQPPL có liên quan do cấp huyện ban hành. Việc này được thực hiện theo lộ trình chậm nhất hai năm kể từ ngày luật có hiệu lực.
Về vấn đề xử lý các VBQPPL của cấp huyện thì hiện nay trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng đang có nhiều quy định chuyển tiếp liên quan đến thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã; trong đó có việc xử lý văn bản do cấp huyện ban hành.
Trong khi đó, dự thảo Luật Sửa đổi luật ban hành VBQPPL cũng quy định về vấn đề này. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để xử lý các vấn đề chuyển tiếp liên quan đến mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh, cấp xã).
Xử lý văn bản khi hết hiệu lực linh hoạt
Một vấn đề khác cũng được sửa đổi trong dự thảo luật lần này là xử lý VBQPPL hết hiệu lực quy định tại Điều 57.
Theo quy định hiện nay, VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết cũng đồng thời hết hiệu lực, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền công bố giữ lại toàn bộ hoặc một phần còn phù hợp.
Thực tế cho thấy, một số VBQPPL hết hiệu lực, nhưng toàn bộ hoặc một phần nội dung tại các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết vẫn còn phù hợp, cho nên không cần thiết phải ban hành văn bản mới thay thế gây lãng phí.
Vì vậy, để xử lý các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản quy định chi tiết cần phải linh hoạt, chủ động để tránh lãng phí không cần thiết.
Do đó, khoản 2, Điều 57 được sửa đổi theo hướng VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do có VBQPPL khác thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành văn bản đó tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với VBQPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung và văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung vẫn giao quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành các nội dung đó.
Văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong hai trường hợp: Thứ nhất là trái với văn bản quy phạm pháp luật thay thế. Thứ hai là văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế không giao quy định chi tiết.
Cần thẩm định nội dung về đổi mới sáng tạo
Một trong những nội dung mới khác trong dự thảo lần này là khi đánh giá tác động, thẩm tra, thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung thêm nội dung cấp thẩm định, đánh giá tác động về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (nếu có).
Theo quy định hiện nay, khi thẩm tra, thẩm định, đánh giá tác động khi dự thảo các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải đánh giá, thẩm tra các nội dung như sự cần thiết của chính sách; tính hợp hiến, tính hợp pháp; tính tương thích của chính sách với điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên; việc bảo đảm bình đẳng giới, chính sách dân tộc...
Lý do bổ sung thêm nội dung này là để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời để thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo phát triển, nhằm nâng cao giá trị pháp lý của ý kiến thẩm định.
HỮU ĐĂNG