Phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 19/5. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 19/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku.
Theo đó tuyến cao tốc này thuộc hành lang Đông-Tây, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ; là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn; kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku là cần thiết, làm tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, điểm đầu tại Quốc lộ 19B (khoảng lý trình Km39+200/Quốc lộ 19B) thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (khoảng lý trình Km1606+770/đường Hồ Chí Minh) thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Quy mô 04 làn xe, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt, dự kiến dự án sẽ phấn đấu khởi công vào cuối tháng 12/2025 và hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2029.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. (Ảnh: TTXVN)
Để triển khai dự án, Chính phủ đề xuất áp dụng 09 cơ chế, chính sách, trong đó có 03 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, 05 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và 01 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đánh giá hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư công.
Về đề xuất 09 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, theo ông Mãi, cơ bản các chính sách này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số dự án quan trọng quốc gia trong thời gian qua, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.
Tuy nhiên, một số chính sách đã được điều chỉnh so với các chính sách tương tự được áp dụng cho một số dự án thời gian qua như về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Chính phủ đề xuất các tiểu dự án giải phóng mặt bằng được áp dụng cơ chế về mỏ vật liệu trong khi các dự án trước đây chỉ cho phép áp dụng đối với các hạng mục xây dựng chính của dự án...). Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách này, đồng thời Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của dự án./.
(Vietnam+)