Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev phát biểu tại Baku, ngày 4/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev cho rằng việc cung cấp khí đốt cho nhiều quốc gia châu Âu hơn sẽ trở nên khả thi trong những năm tới khi Azerbaijan dự kiến tăng sản lượng khí đốt tại mỏ Absheron từ 1,5 tỷ lên 5 tỷ mét khối mỗi năm và sẽ bắt đầu khai thác khí đốt ở độ sâu lớn đầu tiên từ mỏ Azeri-Chirag-Gunashli vào năm 2025.
Thông tin nêu trên được Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần và được tờ Bưu điện Kyiv (The Kyiv Post) đăng tải ngày 11/1.
Nhà lãnh đạo Azerbaijan cho biết thêm bốn quốc gia châu Âu đã mua khí đốt từ Azerbaijan vào năm 2022, nhưng năm nay con số này đã tăng lên 12.
Ông Aliyev nói: “Chúng tôi đang đàm phán với một số quốc gia châu Âu khác về việc cung cấp khí đốt. Đây là những quốc gia nằm gần các nước đã nhận khí đốt của chúng tôi. Tôi tin rằng việc cung cấp khí đốt cho các quốc gia mới này sẽ khả thi trong những năm tới”.
Ước tính, trữ lượng khí đốt của Azerbaijan là khoảng 2,6 nghìn tỷ mét khối, nhưng theo ông Aliyev, hiện nay đã tăng lên dù không đưa ra con số cụ thể và trong năm 2025, các mỏ khí đốt chủ chốt được Azerbaijan tập trung khai thác là Absheron, Shah Deniz và Azeri-Chirag-Gunashli, nằm cách Baku khoảng 100 km về phía Đông Nam trên Biển Caspi.
Azerbaijan dự kiến sẽ khai thác khí đốt ở độ sâu lớn đầu tiên từ mỏ Azeri-Chirag-Gunashli. Đây là mỏ dầu lớn nhất được phát triển bởi Azerbaijan International Operating Company, một liên danh các công ty dầu khí quốc tế, và được vận hành bởi BP, tập đoàn dầu khí có trụ sở tại London được ủy quyền thay mặt cho liên danh này.
“Chúng tôi dự định hợp tác với các đối tác để tăng sản lượng khí đốt tại mỏ Absheron từ 1,5 tỷ lên 5 tỷ mét khối mỗi năm”, ông Aliyev nói với các phóng viên.
Trong khi đó, mỏ Shah Deniz, điểm khởi đầu quan trọng của tuyến cung cấp khí tự nhiên từ khu vực Caspi và Trung Đông đến châu Âu, sẽ vẫn là nguồn cung chính.
“Chúng tôi đang cố gắng giúp Liên minh châu Âu (EU) đối phó với tình trạng thiếu khí đốt. Tuy nhiên, chúng tôi phải đối mặt với tình huống các ngân hàng châu Âu không còn tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Một mặt, họ yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm, nhưng mặt khác, họ lại tước đi nguồn lực tài chính của chúng tôi”, ông Aliyev cho biết.
Nhà lãnh đạo Azerbaijan cũng nói rằng EU cần tham vấn nhiều hơn với Azerbaijan nếu muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Liên bang Nga.
“Nếu Liên minh châu Âu cần thêm khí đốt từ chúng tôi, họ cũng cần làm tốt phần việc của mình. Chúng tôi đang làm phần việc của mình; họ cần làm phần việc của họ”, Tổng thống Azerbaijan nói.
Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka thuộc vùng Kiev, Ukraine. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Đề xuất của Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev được đưa ra trong bối cảnh Liên bang Nga bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1/2025 khi thỏa thuận quá cảnh 5 năm giữa Moskva (Moscow) và Kiev hết hạn, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ thống trị thị trường khí đốt châu Âu của Liên bang.
Hậu quả của việc ngừng hoạt động trung chuyển khí đốt đối với Ukraine bao gồm việc mất đi khoảng 800 triệu USD mỗi năm từ phí vận chuyển, tương đương khoảng 0,42% Tổng Sản phâm quốc nội (GDP) dự kiến năm 2024 của nước này (189,83 tỷ USD) trong khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Liên bang Nga sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh thu từ việc bán khí đốt cho châu Âu, tương đương khoảng 0,22% GDP của nước này (2.184 tỷ USD).
Đánh giá chung cho thấy, việc ngừng vận hành đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên của Liên bang Nga tới châu Âu quá cảnh qua Ukraine phù hợp với nỗ lực của Kiev và các đồng minh nhằm cắt nguồn tài chính của Điện Kremlin cho cuộc chiến ở Ukraine.
Liên bang Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng EU đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung này sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.
Hầu hết các tuyến khí đốt của Liên bang Nga tới châu Âu hiện đã bị đóng, bao gồm Yamal-Europe qua Belarus và các đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dưới biển Baltic, vốn bị phá hủy vào năm 2022.
Tuy nhiên, quyết định này cũng khiến châu Âu phải đối mặt với tác động tiêu cực. Giá khí đốt tại “lục địa già” đã tăng 1.500% vào tháng 8/2022 so với mức giá trước năm 2021, do các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ đối với Moskva làm gián đoạn nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Liên bang Nga.
Dù giá khí đốt sau đó đã giảm, nhưng vẫn cao hơn 300% so với trước đây, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu. GDP của EU giảm từ mức tăng 3,4% năm 2022 xuống âm 0,4% năm 2023 và dự kiến chỉ tăng 0,9% năm 2024.
Đặc biệt, Đức, trụ cột kinh tế của EU, chứng kiến GDP giảm 0,1% năm 2024 do kế hoạch chuyển đổi năng lượng không thực tế và mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Liên bang Nga.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo The Kyiv Post/AFP/rferl)