Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh
10 giờ trướcBài gốc
Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. (Ảnh: BÙI GIANG)
Sáng 20/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh, thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án
Trình bày Tờ trình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết: Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 52 điều, trong đó 18 điều luật liên quan đến việc thu hẹp hình phạt tử hình; 4 điều luật sửa đổi về nội dung; 2 điều luật sửa đổi để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập. Các điều luật khác sửa đổi, điều chỉnh mức hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội), một số tội danh về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy nâng mức hình phạt tù để bảo đảm tính răn đe.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. (Ảnh: BÙI GIANG)
Theo đó, dự thảo luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Đồng thời, bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.
Dự thảo luật cũng nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để bảo đảm tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma túy.
Tại tờ trình, Chính phủ nhận định các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập. Cụ thể, các mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng (khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Điều này dẫn đến việc xác định căn cứ để áp dụng hình phạt tử hình còn gặp khó khăn trên thực tế.
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; đồng thời, thực tiễn thời gian qua tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này.
Ngoài ra, quy định về hình phạt tử hình hiện nay chưa phù hợp với quan điểm chỉ đạo mới của Đảng, công tác cải cách tư pháp về thu hẹp hình phạt tử hình, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm…
Chính phủ cho rằng đối với những tội này, để thu hẹp hình phạt tử hình thì cần bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án vẫn bảo đảm cách ly vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, vẫn đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm…
Cân nhắc bỏ hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy
Thẩm tra dự thảo Bộ luật Hình sự, liên quan đến quy định về bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay, cơ quan thẩm tra có hai loại ý kiến.
Theo đó, ý kiến thứ nhất tán thành việc bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh như đề xuất của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình tại các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cho rằng trong bối cảnh diễn biến tình hình tội phạm rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng thì mức độ điều chỉnh chính sách hình sự cần được cân nhắc thận trọng, việc bỏ hình phạt tử hình ở tội danh nào cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây tác động bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: BÙI GIANG)
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô, Tội nhận hối lộ, bởi vì hiện nay tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Hơn nữa, thực tiễn đấu tranh xử lý loại tội phạm này cho thấy, việc quy định hình phạt tử hình trong các tội về tham nhũng có tác dụng răn đe cao và đạt hiệu quả xử lý.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy vì cho rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy với mục tiêu "giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy".
“Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này sẽ làm giảm tính răn đe, tạo kẽ hở để tội phạm ma túy phát triển phức tạp và nguy cơ Việt Nam có thể sẽ trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế”, ông Hoàng Thanh Tùng nói và cho hay đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Dự thảo luật nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung lên gấp 2 lần đối với một số tội danh cụ thể của Chương các tội phạm về môi trường, Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với dự thảo luật về định hướng sửa đổi nói trên nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiền thi hành Bộ luật Hình sự. Thực tế cho thấy, mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung trong các tội danh của Bộ luật hình sự, hiện hành cơ bản giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong khi đó, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều thay đổi, do vậy nhiều mức phạt tiền trong Bộ luật Hình sự hiện hành không còn phù hợp. Do đó, việc nâng mức phạt tiền như trên là phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn cơ sở để quy định tăng 2 lần mức phạt tiền đối với các tội danh có quy định về hình phạt tiền. Theo đó, bên cạnh mức lương cơ sở và thu nhập bình quân đầu người, cần đánh giá cụ thể hơn các yếu tố như: mức lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, mức sống thực tế, sức mua của đồng tiền, hiệu quả răn đe của hình phạt và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm... Trên cơ sở đó, đề xuất mức tăng hình phạt tiền phù hợp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình gồm các tội:
(1) Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)
(2) Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114)
(3) Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)
(4) Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421)
(5) Tội gián điệp (Điều 110)
(6) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)
(7) Tội tham ô tài sản (Điều 353)
(8) Tội nhận hối lộ (Điều 354).
THU HẰNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/de-xuat-bo-hinh-phat-tu-hinh-voi-8-toi-danh-post880969.html