Đề xuất bổ sung một số nội dung chưa có trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước

Đề xuất bổ sung một số nội dung chưa có trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước
5 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 7/11/2024.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề xuất bổ sung một số nội dung chưa có trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NSNN. Theo đó, đại biểu đề xuất sửa đổi đối với nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách, nội dung tại điểm a, khoản 7, Điều 9 Luật NSNN 2015 quy định trong thời kỳ ổn định ngân sách “không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách”. Việc quy định như trên sẽ dẫn đến tình trạng không linh hoạt trong quá trình điều hành theo cả giai đoạn 5 năm. Để bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh cũng như triển khai các quy định mới của Trung ương và địa phương trong cả giai đoạn, cần xem xét sửa đổi nội dung này theo hướng: “Không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách. Trừ một số trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội, UBND các cấp trình HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh phù hợp”.
Về dự phòng NSNN, tại khoản 1, Điều 10 Luật NSNN 2015 quy định: “Mức bố trí dự phòng từ 2 - 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp”. Trên thực tế khi quyết định dự toán thu, chi NSNN hằng năm, Bộ Tài chính xác định chỉ tiêu dự phòng ngân sách tỉnh trên 2% tổng số chi cân đối ngân sách địa phương, không xác định trên tổng chi ngân sách (chi cân đối và chi mục tiêu). Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung, sửa đổi nội dung này theo hướng: “Mức bố trí dự phòng từ 2 - 4% tổng chi cân đối ngân sách mỗi cấp”.
Liên quan đến nguyên tắc quản lý NSNN đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN, theo quy định tại khoản 19, Điều 4 Luật NSNN quy định: “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với NSNN, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”. Đại biểu cho biết, tỉnh Cao Bằng đã thành lập một số quỹ từ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc thành lập và hoạt động của các quỹ góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, có một số quỹ tài chính ngoài NSNN được thành lập và được giao biên chế, có bộ máy quản lý, điều hành để thực hiện các nhiệm vụ thu chi. Quỹ thực hiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nguồn quỹ tài chính ngoài ngân sách được hình thành từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội và sự hỗ trợ từ NSNN (thông qua hỗ trợ vốn điều lệ).
Bên cạnh đó, tại khoản 11, Điều 8 Luật NSNN quy định “không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”. Như vậy, các khoản thu của quỹ sẽ bảo đảm chi lương, chi hoạt động của bộ máy quản lý và điều hành. Tuy nhiên, một số quỹ thành lập theo hướng dẫn của bộ, ngành quy định “Quỹ thực hiện cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự bảo đảm một phần hoặc bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động” và mức độ bảo đảm thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, quy định tại khoản 11, Điều 8 Luật NSNN chưa phù hợp với hoạt động của một số quỹ tài chính ngoài NSNN đang triển khai thực hiện, đề nghị xem xét sửa đổi các nội dung liên quan đến quy định quản lý NSNN đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đối với nội dung quy định tại khoản 10, Điều 25 Luật NSNN 2015, đại biểu cho rằng trên thực tế, khi thực hiện một số văn bản của Trung ương lại quy định UBND tỉnh quyết định cụ thể, như vậy sẽ không phù hợp với quy định tại khoản 10, Điều 25 Luật NSNN 2015. Do vậy, đề nghị xem xét sửa đổi nội dung này theo hướng: “Quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện thống nhất trong cả nước; đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách để phù hợp với đặc điểm của địa phương, quy định khung và giao HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật chuyên ngành” để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện.
Lê Điệp
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/de-xuat-bo-sung-mot-so-noi-dung-chua-co-trong-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-ngan-3173397.html