Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Sáng 1/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh:quochoi.vn
Bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Hồng Luyến - đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng. Đây là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, hạ tầng xuống cấp, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên. Ảnh:quochoi.vn
Với lý lẽ trên, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giảm bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.
Theo đó, bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật trong huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra.
Liên quan đến nội dung ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Đỗ Văn Yên - đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã góp ý về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại Điều 5.
Theo đó, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến đầu tư công nghệ mới trong PCCC, CNCH. Đồng thời đảm bảo thống nhất với Điều 52 của dự thảo Luật về khoa học, công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH cũng như truyền tin về báo cháy.
Về báo cháy tình huống khẩn cấp phải CNCH tại Điều 6, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cách thức xử lý báo cháy tình huống khẩn cấp CNCH giả và có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp báo cháy và CNCH giả.
Đại biểu Đỗ Văn Yên – đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: quochoi.vn
Về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh tại Điều 20 và phòng cháy đối với cơ sở tại Điều 22, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, hiện nay nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá cao dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách tháng 8/2024. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định, dự thảo Luật tương đối toàn diện với các giải pháp, các quy định về chính sách được đảm bảo việc thực hiện tốt hơn trong công tác PCCC, CNCH.
Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế thời gian qua, xuất hiện khá nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến nhóm nguyên nhân chập điện và hàn xì, liên quan đến các quán karaoke và vũ trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, những nội dung này liên quan đến các nhóm này cần được rà soát chặt chẽ để đảm bảo ngăn ngừa công tác PCCC.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. Ảnh:quochoi.vn
Theo đại biểu, công tác PCCC từ Điều 15 đến Điều 20 khá đầy đủ, tuy nhiên đại biểu nhận thấy, các vụ cháy hiện thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay rất khó tiếp cận để chữa cháy. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy.
“Bởi thực tế hiện nay, chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy. Trong khi đó, chúng ta chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu quan điểm.
Liên quan đến phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 19, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.
Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định là các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở; bổ sung thêm các điều khoản là các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống PCCC.
Liên quan đến yêu cầu về PCCC khi điều chỉnh phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 14, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ thêm các yêu cầu bắt buộc về bố trí các thiết bị, phương tiện chữa cháy, đặc biệt là ở các khu dân cư và khu công nghiệp.
Đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu có cơ sở chính trị, thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình vấn đề đại biểu nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh:quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bám sát kết luận, chủ động chủ trì phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức được nhiều cuộc tọa đàm, khảo sát để thu thập thông tin phục vụ tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung của dự thảo luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng tốt; quán triệt đầy đủ tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, bố cục và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật. Nhìn chung, các quy định của dự thảo luật đã bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Đại biểu cũng cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề cụ thể sau:
Tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về giải thích từ ngữ, bổ sung giải thích từ ngữ hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; bổ sung giải thích thêm cụm từ tai nạn sự cố cho phù hợp; bổ sung thành tố kinh tế ở các điều, các khoản về phòng cháy, chữa cháy; quy định về thẩm định phòng cháy ở cả giai đoạn thiết kế cơ sở, chuẩn bị cho đầu tư về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy; bổ sung nguyên tắc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phòng cháy, chữa cháy; về báo cháy, tình huống cứu hộ, cứu nạn; phương pháp xử lý báo cháy; về phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh; nghiên cứu việc quy định bố trí phòng ngủ trong khu vực sản xuất kinh doanh phải có lộ trình để các cơ sở này có điều kiện thiết kế phù hợp, theo đúng khả năng kinh tế xã hội;
Quy định chế độ kiểm tra định kỳ, công khai trên các nền tảng quản lý của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong lắp đặt, sử dụng điện; quy định rõ hơn với các công trình nhà cao tầng, chung cư, cơ sở sản xuất về lắp đặt, sử dụng điện; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xây dựng hạ tầng và lắp đặt thiết bị điện; về xây dựng, bố trí lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng phòng cháy, chữa cháy; nghiên cứu quy định về thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở cho phù hợp theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết với các loại hình cơ sở; bổ sung quy định rõ hơn về xử lý tình huống khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn khi chưa có cơ quan chức năng.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cần quy định rõ hơn các yêu cầu bắt buộc bố trí phương tiện, hạ tầng phòng cháy, chữa cháy. Cân nhắc về chi ngân sách quốc phòng, an ninh từ ngân sách địa phương. Các ý kiến cũng đề nghị phải phân cấp, phân quyền cho địa phương, chính quyền địa phương các cấp rà soát và có giải pháp phù hợp, có lộ trình và bảo đảm tính khả thi; thời điểm có hiệu lực của một số các điều chuyển tiếp .
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực; đồng thời triển khai trong thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Thu Hường