Đề xuất bổ sung quy định quản lý xe vận chuyển khách đến sân bay

Đề xuất bổ sung quy định quản lý xe vận chuyển khách đến sân bay
3 giờ trướcBài gốc
Giảm ùn tắc giao thông, ngăn xe dù bến cóc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, năm 2018, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách từ trung tâm đô thị đến cảng hàng không theo Quyết định 2056/QĐ-BGTVT ngày 21/9/2018.
Bộ GTVT cho biết việc thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách từ trung tâm đô thị đến cảng hàng không đã góp phần giảm nguy cơ ùn tắc giao thông, triệt tiêu "xe dù, bến cóc" một cách tự nhiên (ảnh minh họa).
Bộ GTVT cho biết, đến nay, tại 3 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, chưa có đơn vị vận tải tham gia thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài đến các trung tâm đô thị và trung tâm du lịch bằng xe ô tô.
Ở khu vực miền Trung, tại Cảng HKQT Đà Nẵng chưa có đơn vị nào thực hiện thí điểm. Hiện Công ty Hải Vân đang phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và Sở GTVT Quảng Nam để triển khai đề án trong thời gian sớm nhất.
Tại CHKQT Phú Bài, do khai thác không hiệu quả và liên tục thua lỗ, công ty Hải Vân đã chấm dứt hoạt động vận chuyển hành khách từ tháng 3/2024.
Ở khu vực miền Nam, hiện nay, chỉ có Công ty Hải Vân đang hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vận chuyển hành khách về Vũng Tàu và các quận tại TP. HCM.
Theo Bộ GTVT, đánh giá ban đầu khi tuyến thí điểm hoạt động đã tạo ra nguồn cung về phương tiện, dịch vụ tốt, thu hút lượng khách lớn đi phương tiện này. Từ đó góp phần giảm nguy cơ ùn tắc giao thông, triệt tiêu "xe dù, bến cóc" một cách tự nhiên.
Đồng thời, gia tăng lượng phương tiện chấp hành quy định về luật giao thông, quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và nộp thuế cho nhà nước.
Bộ GTVT đánh giá, việc triển khai hoạt động thí điểm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, việc truyền dẫn dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe vẫn chưa đảm bảo truyền dẫn liên tục, đầy đủ.
Công tác thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động của các đơn vị đối với Sở GTVT địa phương và các cơ quan có thời điểm chưa thực hiện theo thời gian đã quy định.
Mặt khác, loại hình vận tải này đang có sự đan xen giữa hình thức xe buýt, xe du lịch và xe tuyến cố định. Cụ thể, xe chạy theo tuyến và hành trình cũng như phạm vi hoạt động giống xe buýt và tuyến cố định nhưng không có bến xe, giá vé như buýt liên tỉnh và đối tượng phục vụ chủ yếu là khách du lịch.
Từ đó, Bộ GTVT đề xuất đưa loại hình thí điểm vào nhóm xe buýt liên tỉnh trong dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ, để UBND cấp tỉnh thực hiện đặt hàng trên cơ sở thống nhất hai Sở GTVT và đơn vị quản lý cảng hàng không.
Bộ GTVT đề xuất đưa loại hình vận tải thí điểm đưa đón khách từ trung tâm đô thị đến cảng hàng không vào quản lý theo xe buýt liên tỉnh tại dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ (ảnh minh họa).
Xe buýt liên tỉnh đáp ứng yêu cầu nào?
Một thành viên trong ban soạn thảo cho biết, tại dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, loại hình vận tải thí điểm trên đã được đưa vào quy định của xe buýt liên tỉnh.
Theo đó, xe phải đáp ứng các yêu cầu: có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; có phù hiệu "XE BUÝT"; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
Vị trí, số chỗ ngồi cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT. ban hành.
Về quy định quản lý tuyến với xe buýt liên tỉnh, theo dự thảo bao gồm: Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến sử dụng nguồn ngân sách địa phương) và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;
Quy định và tổ chức đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến;
Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;
Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.
Ngoài ra, nêu rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong thực hiện lưu trữ lệnh vận chuyển của các chuyến xe trong thời gian tối thiểu 3 năm.
Bên cạnh đó, xe buýt liên tỉnh sẽ được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
Yến Chi
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-quan-ly-xe-van-chuyen-khach-den-san-bay-192240921152138946.htm