Hiện nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được đa số dư luận đánh giá cao, phù hợp, giúp quản lý dạy thêm, học thêm tốt hơn, hạn chế dạy thêm tràn lan, dạy thêm tiêu cực,…
Tuy vậy, vẫn còn một số giáo viên vẫn còn tình trạng lách luật hoặc cố tình vi phạm quy định của Thông tư 29 do hiện nay quy định về xử phạt quy định giáo viên dạy thêm không có quy định xử lý hành chính khi giáo viên vi phạm dạy thêm.
Ảnh minh họa
Việc xử phạt hành chính khi vi phạm dạy thêm học thêm hiện nay ra sao?
Hiện nay, việc xử lý khi vi phạm dạy thêm chỉ có quy định các cơ sở dạy thêm (trung tâm, công ty hay hộ kinh doanh cá thể) bị xử phạt khi vi phạm tổ chức hoạt động dạy thêm.
Còn đối với cá nhân chỉ bị xử phạt khi không đăng ký kinh doanh. Cụ thể, Đối với hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh (khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư).
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
- Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
- Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
- Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Lưu ý: Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).
Đối với trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện việc đăng ký (khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
- Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Lưu ý: Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).
Như vậy, trong trường hợp giáo viên dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; đối với tổ chức, mức phạt là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Trường hợp dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp thì mức phạt sẽ là từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng áp dụng đối với cá nhân; từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức.
Còn đối với giáo viên vi phạm dạy thêm học thêm thì hiện nay đã không còn quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, với các giáo viên đang là viên chức - những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các trường công lập, còn bị xử lý theo Điều 15, 16 Nghị định 112/2020 của Chính phủ về các hình thức xử lý kỷ luật với viên chức. Theo đó, viên chức không giữ chức vụ quản lý sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Viên chức đang đảm nhận chức vụ quản lý, ngoài các hình thức trên còn có thể bị cách chức.
Kiến nghị bổ sung xử phạt hành chính khi giáo viên vi phạm dạy thêm học thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ để lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 3/7/2025.
Tuy vậy, qua rà soát, đối chiếu các điều khoản sửa đổi, bổ sung của Nghị định 04 và Nghị định 127 trên, người viết cũng không tìm thấy quy định, nội dung nào đề cập đến việc xử phạt hành chính khi giáo viên vi phạm quy định khi dạy thêm học thêm.
Nếu giáo viên vi phạm dạy thêm học thêm, tái phạm nhiều lần, thu tiền trái phép rất lớn nhưng không xử lý vi phạm hành chính là chưa phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi vi phạm.
Người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm rất đúng, không cấm dạy thêm nhưng chỉ cấm dạy thêm tiêu cực nhưng vẫn còn một số cơ sở dạy thêm, giáo viên cố tình vi phạm, đây là hành vi dạy thêm trái pháp luật, dạy thêm tiêu cực đáng được lên án và xử lý nghiêm minh.
Nếu không đưa cụ thể việc xử lý hành chính các hành vi vi phạm dạy thêm sẽ gây khó cho các địa phương trong quản lý, xử lý và khó chấm dứt được nạn dạy thêm tiêu cực trong thời gian tới, nên người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu các cấp có thẩm quyền bổ sung việc xử phạt giáo viên vi phạm dạy thêm học thêm vào Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được lấy ý kiến.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bùi Nam