Nghiên cứu bổ sung phương án quy hoạch, phát triển đô thị
Tại kỳ họp, trên cơ sở xem xét các tờ trình, dự thảo đề án và báo cáo thẩm tra về các nội dung liên quan, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 13 nghị quyết. Trong đó, có 2 nghị quyết mang tính “lịch sử” liên quan đến công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy là: Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: TT
Theo đó, HĐND tỉnh tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới và có tên gọi là TP. Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Đà Nẵng hiện nay (có 94 đơn vị hành chính cấp xã). HĐND tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, thành 78 đơn vị hành chính cấp xã (11 phường, 67 xã).
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh, đây không chỉ là sự sắp xếp, thay đổi đơn thuần về đơn vị hành chính mà còn là bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý, tạo những động lực, tiềm năng mới, đưa chính quyền địa phương sát dân, gần dân hơn, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, đa số cử tri đồng tình cao đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có nội dung hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong Đề án cần nghiên cứu bổ sung phương án quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, đặc biệt chú trọng khu vực đô thị vùng Đông Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành. Việc quy hoạch, phát triển các đô thị này phải xứng tầm với TP. Đà Nẵng mới. “Những đô thị này cần nghiên cứu quy hoạch đầu tư cho xứng tầm thành phố lớn sau này. Nếu như lùi một bước dẫn đến nguy cơ trì trệ. Khi đó, việc phát triển đô thị quy mô lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Dũng nói.
Dẫn chứng một số đề án của các địa phương lân cận như: Quảng Ngãi, Kon Tum, Khánh Hòa đều có đề cập phương án tổ chức làm việc tại hai địa điểm trong giai đoạn đầu sau sắp xếp để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất, nghiên cứu, cân nhắc đưa nội dung này vào đề án. Có thể bố trí làm việc tại hai địa điểm đối với một số bộ phận trong giai đoạn đầu mới sáp nhập. Đồng thời, quan tâm ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ tỉnh khi chuyển công tác ra trung tâm hành chính tại TP. Đà Nẵng làm việc, để họ ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài, yên tâm công tác.
Không để gián đoạn, đứt gãy công việc
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai các nghị quyết được thông qua bảo đảm đúng trình tự, quy định. Trong đó, hoàn thiện ngay hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm theo đúng kế hoạch, tiến độ chung. Theo Chủ tịch HĐND tỉnh, việc tổ chức lại đơn vị hành chính sẽ tác động sâu rộng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh. Do vậy, các cấp, ngành tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong đổi mới, sắp xếp, xây dựng hệ thống chính trị.
HĐND tỉnh Quảng Nam (Khóa X) nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 31 để xem xét nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: TT
Bên cạnh đó, chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ cơ sở, tiền đề cho việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay và đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ hình thành, hoạt động kể từ ngày 1.7.2025; đơn vị hành chính cấp tỉnh mới bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1.9.2025. Cùng với đó, tập trung giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng chịu sự tác động do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo quy định.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên; tiếp tục cải cách hành chính và chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc, nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quy hoạch, xây dựng đô thị, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, kịp thời theo dõi quy định Trung ương để phân bổ, giao kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cơ quan, đơn vị. Trong đó, lưu ý các vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp để thực hiện các chương trình bảo đảm liên tục, hiệu quả.
An Nguyên