Trước đó, nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 hồi giữa tháng 4 nêu rõ: Trung ương thống nhất hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp gồm: Viện Kiểm sát nhân Tối cao, cấp tỉnh, khu vực. Kết thúc hoạt động Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Phạm Thắng
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại gồm: Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Trong đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bãi bỏ một số điều liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Tại báo cáo thẩm tra , Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân và việc tổ chức hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực); kết thúc hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện.
Đối với đề xuất số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao không quá 27 người thay vì 19 người như hiện hành, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Theo cơ quan thẩm tra, đề xuất này chưa phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cấp trên, nhất là dồn án lên cấp Trung ương.
Do đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý, cơ quan thẩm tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Bộ Chính trị.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, đồng tình tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân dân Tối cao vì khối lượng công việc ở cấp này khá lớn. Bà Nga cũng cho rằng cần báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Với vấn đề không tổ chức cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho hay đây là nội dung được đề xuất tại Dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Khi thẩm tra, nội dung này vẫn còn 2 luồng ý kiến và đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Về việc tăng số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, giải trình ngay sau đó, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết do nhiệm vụ của Viện cấp cao chuyển một phần cho tỉnh, một phần cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nên phải bổ sung để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.
Minh Chiến