Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Huế - 2025, ngày 17/4, Hội Khoa học Lịch sử phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng phát triển du lịch thành phố Huế”.
Hội thảo khoa học này nhằm hiểu rõ hơn về thực trạng phát triển, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển du lịch TP Huế trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo.
TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Huế, cho hay, Huế từng là trung tâm quyền lực của Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, sau đó trở thành Kinh đô của đất nước dưới hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn. Nơi đây lưu giữ tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần của một kinh đô trong thể chế quân chủ, là minh chứng sống động cho nền văn hiến kinh kỳ - đỉnh cao của một quốc gia thống nhất.
Ngày nay, Huế đang trong quá trình phấn đấu trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam và khu vực. Văn hóa Huế thể hiện chiều sâu đặc trưng của vùng đất, được khắc họa qua nhiều hệ giá trị văn hóa độc đáo như: ẩm thực, y phục, kiến trúc nhà vườn, giáo dục, chữ viết, âm nhạc, sân khấu, ngôn ngữ và thơ ca... Những giá trị này hiện đã trở thành tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Thể theo lời mời của BTC, có 21 tham luận gửi đến hội thảo, nhưng do yêu cầu của các chủ đề nên BTC chỉ chọn được 18 tham luận của 19 tác giả biên tập để in trong tập Kỷ yếu, chia thành các nội dung gồm Tiềm năng để phát triển du lịch; Du lịch Huế trong chiến lược phát triển bền vững.
Văn hóa Huế là một bộ phận cấu thành quan trọng trong tổng thể văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời là nền tảng căn bản thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Chính những hoạt động văn hóa đặc thù đã không chỉ góp phần định hình bản sắc du lịch Huế, mà còn tạo động lực lan tỏa cho sự phát triển các ngành kinh tế liên quan, mở rộng quan hệ đối ngoại và thu hút hợp tác đầu tư trong nước, quốc tế.
Du khách ghé thăm lăng tẩm vua Nguyễn.
TS. Phan Tiến Dũng trong tham luận “Phát huy giá trị văn hóa xây dựng thành phố Huế trở thành một trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế”, sau khi nêu thực trạng và đề xuất các giải pháp trong chiến lược phát triển du lịch sắp đến, tác giả nhận định: “Huế là nơi đang giữ được những đặc điểm, giá trị của văn hóa truyền thống, ngày nay còn phải gánh vác vai trò nặng hơn đó là tiếp tục sáng tạo nên những giá trị mới. Tức là, một mặt phải thiết lập cách đi đúng đắn, hợp lý để giữ gìn, bảo vệ hồn cốt dân tộc, mặt khác cần tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, biến văn hóa thành sức mạnh để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng, đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, đây chính là quá trình bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố Huế trong tương lai”.
Trong bài viết “Hiệp hội Du lịch Huế góp phần xây dựng nền kinh tế mũi nhọn”, tác giả Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Huế, đã chỉ ra những tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch của địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy du lịch Huế phát triển theo hướng bền vững.
Theo tác giả này: “Hiệp hội Du lịch thành phố Huế giữ vai trò then chốt trong việc kết nối các chủ thể trong ngành, thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng địa phương nhằm phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững. Thông qua việc tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như tham gia góp ý xây dựng chính sách và quy hoạch phát triển du lịch, Hiệp hội đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch tại địa phương”.
Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế.
Tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự đã có những ý kiến đóng góp ở phần thảo luận để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề như Khai thác những tiềm năng về văn hóa, lịch sử, cảnh quan để phục vụ phát triển du lịch; Những giải pháp, bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch TP Huế; Hướng phát triển sắp đến của du lịch thành phố Huế...
Theo Sở Du lịch TP Huế, Huế là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Về mặt địa lý, Huế đóng vai trò là điểm trung lộ trong mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao khả năng kết nối, thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch trong cả hiện tại, tương lai.
Dãy núi Bạch Mã - Cầu Hai là dải núi nằm ngang ra biển lớn nhất và vươn xa nhất ở ven bờ biển Việt Nam... Huế còn sở hữu một hệ sinh thái vườn, “vườn hóa” cả đô thị, nâng lên cả nghệ thuật sống đầy minh triết...
Huế còn là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với nhiều giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá. Hiện nay, Huế đã có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa thế giới.
TP Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó gần 200 di tích đã được công nhận ở các cấp, có hơn 100 lễ hội cung đình khác nhau, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc. Huế cũng là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh...
Nơi đây còn có hệ thống làng nghề đa dạng, nền văn hóa ẩm thực độc đáo, cùng nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, triển khai loại hình du lịch thông minh...
Hiện nay, ngành du lịch Huế đang phát triển theo hướng du lịch bền vững, với nguyên tắc: Khai thác, sử dụng các tài nguyên một cách hợp lý, hạn chế sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn tính đa dạng, phù hợp với tổng thể kinh tế - xã hội. Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch.
Nguyễn Hiệp