Đề xuất cấm học sinh dùng điện thoại trong trường: Phụ huynh nói gì?

Đề xuất cấm học sinh dùng điện thoại trong trường: Phụ huynh nói gì?
8 giờ trướcBài gốc
Mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã yêu cầu Phòng Học sinh, sinh viên nghiên cứu ban hành việc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường.
Thông tin này đã được đông đảo phụ huynh, bạn đọc quan tâm và có những ý kiến góp ý.
Giờ ra chơi không điện thoại của học sinh TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Quyên
Hoàn toàn ủng hộ!
“Tôi hoàn toàn ủng hộ, việc quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường đáng lẽ ra cần áp dụng từ lâu. Ở cấp THPT thì còn có thể châm chước, tuy nhiên đối với cấp tiểu học và THCS thì nên cấm triệt để. Hệ lụy rất lớn từ việc cho trẻ em sử dụng điện thoại vô tội vạ”, bạn đọc Võ Minh bày tỏ.
“Tôi nói thật khi đem điện thoại vô trường, ngay cả ở nhà, đa số bọn trẻ không học gì ở đó, chỉ chơi game, xem những thứ nhảm nhí. Việc cấm sử dụng dùng điện thoại trong giờ học, thậm chí giờ ra chơi là rất hợp lý. Có thể nhìn vào một số trường đã trang bị tủ cất điện thoại cho các em để có thể liên hệ với gia đình sau giờ học”, bạn đọc Mai Nhiên bộc bạch.
“Học sinh đã vào trường thì tuyệt đối không nên sử dụng điện thoại. Việc làm bài kiểm tra online bằng điện thoại trong trường là không hợp lý. Điều này khiến học sinh phụ thuộc vào mạng internet, mất thời gian để mở tủ lấy điện thoại, làm bài xong lại phải cất vào - rất rườm rà. Chưa kể, giáo viên còn phải lo giữ điện thoại cho học sinh, dễ phát sinh các vấn đề như mất cắp, rơi rớt, hư hỏng. Tốt nhất, học sinh nên làm bài kiểm tra bằng giấy để có thể toàn tâm toàn ý tập trung, đồng thời hạn chế tối đa việc gian lận qua internet”, bạn đọc Bảo Nguyễn góp ý.
“Trường con mình học sinh vào học nộp điện thoại cho cô. Cô bỏ vào tủ khóa. Khi nào có tiết học cần tra cứu thông tin trên điện thoại, cô sẽ trả lại và sau tiết đó lại thu. Cuối ngày cô sẽ trả để các bạn đặt xe về nhà. Trong lớp con của mình có camera giám sát nên những hoạt động, ứng xử cô trò trong lớp cũng được nhà trường theo dõi tốt.
Hotline của trường luôn mở để phụ huynh cần thì liên lạc. Nếu bạn nào bị phát hiện dùng điện thoại trái quy định sẽ bị tịch thu đến cuối năm học. Ban đầu, chính bản thân mình cũng không đồng tình lắm nhưng sau một năm học của con, mình thấy hoàn toàn ổn và các bạn cũng tập trung học hơn, trò chuyện với nhau nhiều, sinh hoạt nhóm cũng tốt hơn”, bạn đọc Hoàng Nguyên chia sẻ.
Cái gì cũng có hai mặt, cần phải sử dụng cho hiệu quả chứ không nên cấm!
“Điện thoại có hai mặt tốt và xấu. Tôi ủng hộ cấm nhưng phải cho dùng như một phương tiện học tập và cần dạy học sinh cách sử dụng nó một cách thông minh. Internet không phải chỉ toàn điều xấu mà còn có rất nhiều cái tốt, quan trọng là cách sử dụng nó như thế nào”, bạn đọc Hoàng Trung phân tích.
“Tôi không đồng tình với chủ trương này. Học sinh nên có sự tự do trong việc sử dụng đồ điện tử, trong khi mọi thứ kể cả học tập đều cần số kỹ thuật số hóa thì cũng phải học tập trên điện thoại rất nhiều, chụp bài, ghi âm, xem tài liệu cần thiết, làm quiz, form bài tập. Thế nên tôi không ủng hộ việc này, còn giờ ra chơi thì nên cấm dành cho đối tượng tiểu học và THCS thôi, còn THPT các em lớn rồi thì cấm để làm gì?”, bạn đọc An Nguyễn phản bác.
Ngoài những ý kiến trên, bạn đọc Lê Nguyễn cho rằng: “Sử dụng điện thoại trong nhà trường phải có kỹ năng và phương pháp khi đó mới phát huy tối đa hiệu quả. Thực tế ở độ tuổi các em rất dễ bị xao nhãng nên dễ bị mất tập trung, lười tương tác với giáo viên, bạn bè. Các vị phụ huynh có biết việc chiều chuộng các em ở cấp độ THPT đã để lại hậu quả khi vào năm nhất đại học, phần lớn các em bấm điện thoại suốt, nhảy TikTok ở cuối lớp, giảng viên cho bài tập thì lạm dụng Chat GPT, lười đặt câu hỏi, lười tương tác và đi học chỉ mang theo mỗi cái điện thoại bấm từ đầu giờ tới cuối giờ chủ yếu là chơi game, lướt mạng... Giống như các "bóng ma" vật vờ trên giảng đường. Không phải hầu hết mà tỉ lệ sử dụng điện thoại cho việc riêng ở giảng đường lên đến 50%.
Tôi nghĩ ngoài việc cấm sử dụng điện thoại, ở cấp THPT môn GDCD nên dạy thêm kỹ năng sử dụng điện thoại trong học tập, biết sử dụng đúng lúc, đúng cách và đúng thời điểm".
SONG MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-cam-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-truong-phu-huynh-noi-gi-post859864.html