Đề xuất chỉ định thầu, đặt hàng tư nhân làm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị

Đề xuất chỉ định thầu, đặt hàng tư nhân làm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị
8 giờ trướcBài gốc
Không hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp
Ngày 15/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Nội dung này vừa được bổ sung vào chương trình Kỳ họp lần thứ 9 để Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua vào sáng 17/5.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68 về kinh tế tư nhân.
Qua đó tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.
Dự thảo Nghị quyết gồm 7 Chương và 17 Điều. Trong đó dành một chương về cải thiện môi trường kinh doanh.
ĐBQH: Ưu tiên xử lý sai phạm của doanh nghiệp bằng biện pháp kinh tế thay vì hình sựĐỌC NGAY
Cụ thể, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm… dự thảo Nghị quyết quy định không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.
Xử lý nghiêm các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Đặc biệt đối với nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo Nghị quyết phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết yêu cầu bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc.
Mở rộng đối tượng được đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo Nghị quyết quy định hai chính sách cho nhóm doanh nghiệp này.
Đáng chú ý là chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Theo đó, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách.
Việc này được thực hiện trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách trong hỗ trợ đất đai
Một trong những khó khăn lớn nhất được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh trong thời gian qua là việc khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết dành một chương quy định một số chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước.
Trong đó có hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ.
Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công để khai thác hiệu quả các tài sản công là trụ sở, công trình chưa sử dụng, không sử dụng hoặc dôi dư, đặc biệt trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền hai cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media Quốc hội.
Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Góp ý một số nội dung, về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.
Trang Trần
Yến Chi
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/de-xuat-chi-dinh-thau-dat-hang-tu-nhan-lam-duong-sat-toc-do-cao-duong-sat-do-thi-192250515111728681.htm