Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cụ thể là VEC đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành theo công trình xây dựng khẩn cấp.
Sở dĩ VEC đề xuất như trên, vì mục tiêu Chính phủ đề ra là hoàn thành mở rộng tuyến cao tốc trên đồng bộ thời điểm sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Tuy nhiên, VEC cho rằng nếu triển khai theo quy trình thông thường khó đáp ứng được yêu cầu.
Cụ thể, để khởi công dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành cần thực hiện qua ba bước là phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công.
Trong đó, VEC cho biết đường găng tiến độ nằm ở công tác lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường do dự án đi qua địa bàn hai tỉnh. Công việc này lại phù thuộc vào Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Với cách làm như trên, dự án khởi công nhanh nhất vào đầu tháng 11-2025, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2026, riêng cầu Long Thành phải kéo dài thời gian hoàn thành sang tháng 6-2027.
Đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành hiện chỉ có bốn làn xe. Ảnh: V.LONG
Ngược lại, Thủ tướng chấp thuận quyết định áp dụng hình thức công trình xây dựng khần cấp và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù, cơ chế hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thì dự án sẽ rút ngắn được 2,5 tháng – 3 tháng. Theo đó, dự án sẽ khởi công vào 19-8 năm nay, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2026.
Ngoài ra, VEC cũng kiến nghị Thủ tướng tách công tác giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập và giao cho TP.HCM và tỉnh Đồng Nai thực hiện. VEC bố trí vốn để chi trả, thanh toán theo nhu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng do địa phương đề xuất.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do VEC đầu tư, được đưa vào khai thác với quy mô bốn làn xe. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, đoạn TP.HCM - Long Thành sẽ là tuyến chính kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành.
Hiện, tuyến cao tốc trên đã quá tải. Đặc biệt, đến năm 2026, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Vì vậy, VEC đề xuất mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành. Trong đó, đoạn Vành đai 2 - Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770) được mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe; đoạn Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) được mở rộng lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.337 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn do VEC huy động.
Về vốn ngân sách Nhà nước, các bộ ngành đang đề xuất Chính phủ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024.
Đề xuất chia đoạn cao tốc thành ba dự án thành phần
Mới đây, Ban Quản lý dự án 7 cũng vừa trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định chủ trương đầu tư dự án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành.
Trong đó, đơn vị đề xuất chia dự án thành ba dự án thành phần sau:
Dự án thành phần 1: Đầu tư mở rộng đường cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành
Dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM.
Dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Đồng Nai.
VIẾT LONG