Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của các cơ quan về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CBCC sửa đổi.
Trong Tờ trình trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết sau 5 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật CBCC đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng.
Đặc biệt, một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng cũng như với pháp luật chuyên ngành khác. Trong khi, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài, xử lý đối với CBCC vi phạm quy định về đạo đức công vụ...
Theo Bộ Nội vụ, hiện Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ CBCC cần được nghiên cứu, quy định phù hợp thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.
Từ những căn cứ chính trị, pháp lý và để khắc phục những bất cập trong thực tiễn như vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức là cần thiết.
Mục đích xây dựng Luật CBCC (sửa đổi) là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; xây dựng đội ngũ CBCC, nhất là CBCC lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá CBCC theo hướng thực chất, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.
Cán bộ, công chức Sở Nội vụ Hà Nội giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Đáng chú ý, tại dự thảo Tờ trình, Bộ Nội vụ đề xuất 5 chính sách mới, trong đó có điểm nổi bật là đổi mới cơ chế quản lý CBCC theo VTVL.
Mục tiêu của chính sách này là đổi mới cơ chế quản lý CBCC từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, VTVL và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý CBCC theo VTVL; lấy VTVL làm cơ sở thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCC; tạo cơ chế cạnh tranh theo VTVL dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
Về giải pháp thực hiện, cơ quan này cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi quy định VTVL gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với CBCC theo VTVL. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số VTVL thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm, giúp linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, nhất là đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện các điều, khoản tại Luật CBCC hiện hành liên quan VTVL về nguyên tắc quản lý CBCC; quyền của CBCC về tiền lương và các chế độ liên quan tiền lương; các quy định về CBCC ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về phân loại công chức, tuyển dụng công chức.
Đồng thời, bỏ các quy định liên quan ngạch công chức với các quy định về thay đổi VTVL, đào tạo bồi dưỡng theo VTVL, các quy định về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm hay các quy định về đánh giá công chức. Ngoài ra cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quản lý CBCC theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác cán bộ…
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật CBCC (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề ra 5 chính sách quan trọng: đổi mới cơ chế quản lý CBCC theo VTVL; hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của CBCC, những việc CBCC không được làm và về đạo đức, văn hóa công vụ; hoàn thiện quy định để đổi mới phương thức quản lý CBCC phù hợp yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; hoàn thiện quy định về quản lý CBCC bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và hệ thống pháp luật, tiếp tục thể chế thành luật các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ mới ban hành chưa kịp thể chế; thống nhất nền công vụ từ T.Ư đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ trình UBTV Quốc hội Luật CBCC (sửa đổi) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội và trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 4/2026). Dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2027.
Linh Chi