Dự thảo Nghị định này đề xuất quy định chi tiết khoản 3 Điều 47 Luật Điện lực về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo dự thảo Nghị định, mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 2 hình thức sau:
Thứ nhất, mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng, đây là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua lưới điện kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Đề xuất cho phép doanh nghiệp bán điện tái tạo trực tiếp tới khách hàng thông qua lưới điện riêng. (Ảnh: ST)
Thứ hai, mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia, đây là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn điện giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Dự thảo nêu rõ: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn phải tuân thủ quy định của pháp luật về: quy hoạch, đầu tư (thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư công trình nguồn điện, bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện và các quyết định điều chỉnh).
Dự thảo cũng quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo dự thảo, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng theo các nguyên tắc sau đây:
Hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 44 Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm các nội dung chính sau: Thông tin của các bên; mục đích sử dụng; tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; điều kiện chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; thời hạn của hợp đồng; trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành Đường dây kết nối riêng; các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.
Theo dự thảo, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền) theo nguyên tắc sau:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền) thanh toán cho đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia theo quy định về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo do Chính phủ ban hành.
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng theo quy định nêu trên, để đảm bảo cung cấp đủ điện theo nhu cầu, khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền, phân cấp), công ty điện lực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định hiện hành.
Trường hợp đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo quy định về thực hiện giá bán lẻ điện của pháp luật về điện lực.