Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phân cấp dự án cảng biển từ 2.300 tỷ đồng trở lên cho UBND thành phố
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể. Bên cạnh nhóm chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15, nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại một số địa phương khác, tại dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất một số chính sách đặc thù mới cho Hải Phòng.
Cụ thể, về quản lý đầu tư, dự thảo quy định: “Phân cấp, phân quyền cho UBND thành phố Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng”.
Ngoài ra, quy định: “UBND thành phố tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn thành phố; quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn Thành phố và sử dụng nguồn ngân sách địa phương kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện”.
Về tài sản công, thành phố được bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do thành phố xây dựng từ ngân sách nhà nước hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau năm 1994 đến trước ngày 1/1/2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tối ưu hóa ưu đãi về thuế
Khu thương mại tự do được áp dụng một số chính sách đặc thù ưu đãi như: đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong khu thương mại tự do.
Đặc biệt, dự thảo quy định về thí điểm thành lập khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, nơi thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Theo dự thảo, khu thương mại tự do Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu thương mại tự do Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp.
Đánh giá kỹ tác động chính sách
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Về các chính sách cụ thể cho thành phố, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành nhưng cũng đề nghị làm rõ một số nội dung. Cụ thể, về thành lập Khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban đánh giá là cần thiết song đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đối với chính sách về sử dụng đất tại khu thương mại tự do, dự thảo quy định không phụ thuộc vào chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Thành phố và được cập nhật vào kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp theo của quốc gia, thành phố.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đây là vấn đề mới, liên quan đến quy hoạch quốc gia, do đó đề nghị cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ: tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; bổ sung hệ thống giám sát định kỳ; trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Về chính sách ưu đãi thuế trong khu thương mại tự, cơ quan thẩm tra tán thành với mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự như mức áp dụng với khu kinh tế. Song, dự thảo quy định thời gian áp dụng dài hơn.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cân nhắc thời hạn ưu đãi, trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành việc cần thiết ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội. Các chính sách mới trong Nghị quyết nhằm khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt các chính sách mới. Đặc biệt là đánh giá kỹ tác động của chính sách trong điều kiện mở rộng biên giới hành chính, các chính sách liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất. Riêng đối với khu thương mại tự do cần đánh giá thêm kết quả đầu ra, nghiên cứu thêm các quy định về cơ chế giám sát, trách nhiệm thực hiện….
Qua nghe các ý kiến của thành viên UBTVQH, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có giải trình cụ thể về các vấn đề, chính sách được quan tâm liên quan đến đất đai, quy hoạch, khu thương mại tự do... Phó Thủ tướng cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng, để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết đối với những vấn đề lớn, có tác động phạm vi rộng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội. UBTVQH lưu ý tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo có các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vượt trội, đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo động lực phát triển thành phố Hải Phòng.
Hoàng Yến