Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án dưới 10.000 tỷ đồng

Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án dưới 10.000 tỷ đồng
2 giờ trướcBài gốc
Tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Chính phủ trình dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi với 5 nhóm vấn đề lớn.
Đáng chú ý trong nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Chính phủ đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Đề xuất Chủ tịch tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án dưới 10.000 tỷ đồng.
Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo, giải thích nội dung sửa đổi nhằm cụ thể hóa tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đề xuất này nhằm bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin-cho".
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án như dự thảo Luật là thay đổi lớn, cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đặt trong tổng thể các chính sách khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.
Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương. Luật Đầu tư công hiện hành quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực.
Nếu quy định Chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án, vừa là người quyết định đầu tư dự án là chưa bảo đảm tính khách quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói việc chuyển thẩm quyền quyết định một nội dung quan trọng từ tập thể sang cá nhân là vấn đề rất lớn. Nhất là khi dự án đến 10.000 tỷ đồng ở địa phương là quyết định rất quan trọng, cần được thảo luận, thẩm tra kỹ lưỡng. Ông Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo lấy ý kiến 63 địa phương, để đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét quyết định.
An Tú
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-chu-tich-ubnd-tinh-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-du-an-duoi-10000-ty-dong-d52730.html