Đề xuất Chủ tịch xã có quyền xử phạt như Chủ tịch huyện

Đề xuất Chủ tịch xã có quyền xử phạt như Chủ tịch huyện
7 giờ trướcBài gốc
Sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội diễn ra sáng nay.
Chuyển quyền xử phạt của Công an huyện, Chủ tịch huyện sang cấp xã
Để tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tại các khoản 2 và 3 Điều 37a được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh trên cơ sở hệ lực lượng, các chức danh cụ thể đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Do vậy, dự thảo quy định điều khoản chuyển tiếp (Điều 3 dự thảo Luật) cho phép Trưởng Công an cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kể từ khi Luật được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Cơ quan soạn thảo cho biết, theo quy định hiện hành, các chức danh này là các chức danh thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trực tiếp, có thể phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính ở cơ sở, có mức tiền phạt rất thấp (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (hiện nay) chỉ có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng, Trưởng Công an cấp xã (hiện nay) có thẩm quyền phạt tiền tối đa đến 2.500.000 đồng) và không được áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, trong khi kể từ ngày 1/7/2025, thực hiện thống nhất chính quyền địa phương 2 cấp. Việc trao thẩm quyền cao hơn cho lực lượng ở cấp xã (mới) là giải pháp cần thiết, phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp, khi các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chưa kịp sửa đổi, bổ sung theo quy định của dự thảo Luật.
Đề xuất được bán phương tiện vi phạm bị tạm giữ
Tờ trình cũng đề xuất, cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu hết thời hạn mà không có người đến nhận, hoặc không xác định được chủ sở hữu, người vi phạm, người quản lý.
Theo tờ trình, việc bán sẽ áp dụng đối với phương tiện, tang vật có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ khi hết thời hạn tạm giữ; dễ hư hỏng, giảm chất lượng nếu không được bảo quản đúng kỹ thuật; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, quy định này giúp rút ngắn quy trình xử lý tang vật vi phạm, giảm tồn đọng, quá tải kho bãi và hạn chế lãng phí tài sản công.
Mức xử phạt hành chính ở nhiều lĩnh vực tăng gấp 4 lần
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành với các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng sẽ tăng mạnh, nhiều nhất gấp 4 lần.
Cụ thể, vi phạm lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có mức tiền phạt tối đa là 30 triệu đồng; lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội mức phạt tiền tối đa 75 triệu đồng; lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tăng mức xử phạt tối đa từ 50 lên 200 triệu đồng; lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng từ 100 nâng lên 200 triệu đồng; các lĩnh vực giao thông đường bộ tăng từ 75 lên 150 triệu đồng; lĩnh vực đê điều tăng từ 100 lên 250 triệu đồng.
Mức phạt 500 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; thị trường bất động sản; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Mức phạt 1 tỷ đồng được đề xuất với các lĩnh vực quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.
Chính phủ cho rằng việc tăng nặng mức phạt để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Việc này cũng đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực "nóng", xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/de-xuat-chu-tich-xa-co-quyen-xu-phat-nhu-chu-tich-huyen-329757.htm