Đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống cơ cơ sở dữ liệu không gian địa lý dùng chung khi thành lập tỉnh Lâm Đồng mới

Đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống cơ cơ sở dữ liệu không gian địa lý dùng chung khi thành lập tỉnh Lâm Đồng mới
một giờ trướcBài gốc
TP Đà Lạt, nơi là nơi đặt trung tâm Hàng chính- Chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy các phương án triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi sắp xếp các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích lớn nhất trong 34 tỉnh, thành phố trên cả nước với diện tích 24.233,1 km2.
Mọt góc trung tâm TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hiện nay
Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều khó khăn. Để chủ động giải quyết các vướng mắc, bất cập, ngày 6/5/2025, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Tờ trình số 4647 gửi Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu không gian địa lý dùng chung tỉnh Lâm Đồng”, xuất phát từ lý do cấp thiết:
Thời gian qua tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Tuy nhiên các cơ quan nhà nước ở địa phương chủ yếu sử dụng các phần mềm ứng dụng do bộ, ngành trung ương triển khai và cấp tài khoản địa phương sử dụng, cơ sở dữ liệu tập trung ở bộ, ngành trung ương.
Đối với các ứng dụng do địa phương tự triển khai chỉ tập trung xây dựng dữ liệu phục vụ nhu cầu nội bộ chưa có sự chia sẻ dữ liệu dẫn đến chồng chéo, dữ liệu cát cứ, trùng lặp. Việc ứng dụng và khai thác dữ liệu số tại tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý và điều hành.
Bên cạnh đó, quy hoạch giữa các ngành còn có sự chồng chéo, bất cập với quy hoạch sử dụng đất, cụ thể như: quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, lâm nghiệp..., dẫn đến công tác quản lý, thu hút kêu gọi dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, bản đồ quy hoạch cấp tỉnh như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các bản đồ quy hoạch thuộc các chuyên ngành khác có liên quan dạng giấy được thành lập với tỷ lệ 1/100.000 chỉ mang tính chất định hướng, không chi tiết được quản lý riêng rẽ tại các cơ quan đơn vị, thiếu tính đồng nhất khó khăn cho việc tra cứu sử dụng thông tin.
Các dữ liệu chuyên ngành (nông nghiệp và môi trường, tài chính, xây dựng...) chưa được tích hợp đồng bộ, gây ra tình trạng phân mảnh và thiếu sự nhất quán. Điều này dẫn đến việc khai thác dữ liệu gặp khó khăn, gây ra lãng phí nguồn lực và thời gian trong việc tìm kiếm và xác minh thông tin.
Khu trung tâm TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hiện nay
Các công cụ và phần mềm hỗ trợ phân tích dữ liệu hiện có tại tỉnh chưa được triển khai đầy đủ và đồng bộ. Khả năng khai thác dữ liệu để phục vụ cho công tác dự báo, đánh giá và ra quyết định chưa được phát huy. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chỉ dừng lại ở mức độ nhập liệu, lưu trữ và tra cứu cơ bản mà chưa có khả năng phân tích, tổng hợp dữ liệu chuyên sâu.
Do đó, theo UBND tỉnh Lâm Đồng việc xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu không gian địa lý dùng chung tỉnh Lâm Đồng (cả hiện hữu và mới sau khi hợp nhất 3 tỉnh) là rất cần thiết mang tính đột phá không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn mở ra triển vọng dài hạn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương,...
CHÍNH PHONG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/khoa-hoc/202505/de-xuat-chu-truong-dau-tu-du-an-xay-dung-he-thong-co-co-so-du-lieu-khong-gian-dia-ly-dung-chung-khi-thanh-lap-tinh-lam-dong-moi-9183301/