Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới phù hợp với phát triển của Cần Thơ

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới phù hợp với phát triển của Cần Thơ
6 giờ trướcBài gốc
Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Sự kiện thu hút đông đảo sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức…
Thông qua đó, các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư được nhận diện và hiến kế các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, một số cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược cũng được nêu ra, đóng góp vào các định hướng phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ năm 2017, mang lại nhiều kết quả khả quan. Với ý nghĩa và hiệu quả mang lại từ hoạt động diễn đàn, thành phố Cần Thơ rất quan tâm và duy trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên hàng năm trong khuôn khổ của địa phương và mở rộng quy mô vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nêu ý kiến tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy vậy việc thu hút đầu tư vào Cần Thơ chưa đạt được kỳ vọng do các nguyên nhân chính: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống đường bộ, cảng và logistics tại Cần Thơ vẫn chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn; thủ tục hành chính phức tạp; thiếu cơ chế chính sách mang tính đột phá...
Từ việc chỉ ra các điểm nghẽn, đại biểu cho rằng, để Cần Thơ bứt phá phát triển xứng tầm, cần có sự thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trước hết, triển khai có hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm sớm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới cho nguồn thu ngân sách.
Nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, phù hợp với thành phố trong thời gian tới, đặc biệt là mô hình Khu kinh tế chuyên biệt, diện tích khoảng 6.000 ha nhằm tạo động lực và không gian phát triển mới, thu hút các nguồn lực tư nhân, các tập đoàn lớn về đầu tư.
Song song đó, thành phố phải đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy trình thủ tục đầu tư đúng quy định. Tập trung tháo gỡ những bất cập hạn chế đối với các dự án đầu tư trọng điểm của thành phố như dự án Trung tâm Thương mại Aeonmall, Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh và dự án Trung tâm nhiệt điện Ô Môn…
Tiếp tục thực hiện quy trình thủ tục đầu tư rõ ràng, minh bạch đối với các dự án kêu gọi đầu tư tại Quyết định số 2942/QĐ-UBND ngày 07/12/2023 về việc ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Khu vực kinh tế tư nhân cũng cần được quan tâm và hỗ trợ thích đáng, thông qua việc đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân với các hình thức hợp tác công tư (PPP). Thành phố sẽ xây dựng một cơ chế rõ ràng, minh bạch và đảm bảo sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
Đồng thời, tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các quỹ của tập đoàn tài chính phát triển là một giải pháp rất khả thi. Việc này vừa giúp giảm bớt gánh nặng tài chính từ ngân sách nhà nước, vừa giúp kích thích phát triển đô thị thành phố Cần Thơ.
Phát triển quỹ đất để huy động nguồn vốn cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu. Ưu tiên cho phát triển quỹ đất và đầu tư các khu tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông của thành phố. Thành phố đã quy hoạch lại các khu đất có tiềm năng, sớm tổ chức đấu giá đất tạo nguồn thu, từ đó đầu tư lại vào các dự án hạ tầng giao thông, logistics…
Ánh Tuyết/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/de-xuat-co-che-chinh-sach-dac-thu-moi-phu-hop-voi-phat-trien-cua-can-tho/353526.html