Đề xuất cơ chế thỏa thuận nhận tội cho doanh nghiệp để được tiếp tục kinh doanh

Đề xuất cơ chế thỏa thuận nhận tội cho doanh nghiệp để được tiếp tục kinh doanh
11 giờ trướcBài gốc
Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang “làm ngày làm đêm” để kịp trình Quốc hội Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Sáng 15-5, với 100% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều chỉnh chương trình làm việc, trong đó bổ sung việc biểu quyết Nghị quyết này vào 17-5, trước ngày diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 68 của Trung ương.
Ngay trong chiều nay, 15-5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đó là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Bảo đảm Nghị quyết khả thi
Trước đó, chiều 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến bước đầu vào Dự thảo nói trên.
Dự thảo Nghị quyết do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày gồm 7 Chương và 17 Điều tương tự như các định hướng, giải pháp trong Nghị quyết 68 của Trung ương về kinh tế tư nhân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính do Chủ nhiệm Phan Văn Mãi trình bày cũng tán thành với dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng Nghị quyết 68 để hoàn chỉnh các nội dung, nhất là kịp thời thể chế hóa các định hướng của Nghị quyết 68 vào các luật đang trình kỳ họp thứ 9 thông qua.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tính cấp bách của Nghị quyết này và nhất trí trình dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội. Ông cho rằng: phải có cơ chế, chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân vì lực lượng này đang bị các hạn chế, khó khăn, vướng mắc kìm hãm phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói Nghị quyết một số cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cấp bách và nhất trí trình Nghị quyết này ra Quốc hội. Ảnh: QH
Để bảo đảm có thể trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết vào ngày 17-5, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát các quy định trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cô đọng, nêu rõ những đột phá, điểm mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
“Bước đầu là Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, nhưng, tiến tới, có thể đến năm 2026 sẽ xây dựng luật về kinh tế tư nhân một cách toàn diện hơn”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông lưu ý tư duy xây dựng Nghị quyết phải thay đổi theo hướng kiến tạo thay vì kiểm soát. Đây cũng chính là yêu cầu đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần; tư duy điều hành cần chuyển từ "quản lý - kiểm soát" sang "kiến tạo - phục vụ". Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự bảo đảm về pháp lý và hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là cách Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.
"Cơ quan thẩm tra vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để khi thông qua và thực thi Nghị quyết sẽ được dư luận xã hội đồng thuận cao", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cần giải pháp hạn chế tác động khi doanh nghiệp bị điều tra
Kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 68, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học hết sức đồng tình, ủng hộ và mong muốn Nghị quyết 68 mau chóng được thể chế hóa toàn diện.
Trong góp ý của mình, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: việc phân định trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân trong Dự thảo chưa thực sự đủ rõ ràng về nội hàm, cách thể hiện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI đặt vấn đề: “Phân định rõ trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm có được hiểu pháp nhân vi phạm thì chỉ xử lý đối với pháp nhân mà không xử lý đối với cá nhân không? Cá nhân thực hiện các hành vi trong phạm vi, quyền hạn của mình sẽ không bị xử lý nếu pháp nhân vi phạm không?”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI nói cần có cơ chế để doanh nghiệp thỏa thuận nhận tội, đóng phạt và tiếp tục các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ảnh: QH
Đặc biệt, đối với trường hợp “sai phạm đến mức xử lý hình sự”, VCCI cho rằng:trường hợp phải xử lý hình sự thì thời gian xử lý càng nhanh chóng càng giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và tiếp tục hoạt động kinh doanh.
“Ở nhiều nước, cơ chế thỏa thuận nhận tội cho phép doanh nghiệp thừa nhận các hành vi của mình, đóng một khoản phạt và có thể nhanh chóng quay trở lại hoạt động cốt lõi. Điều này giảm tình trạng doanh nghiệp kiệt quệ sau thời gian dài chờ người điều hành thụ án. Do vậy, đề nghị cân nhắc một cơ chế tương tự như vậy”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Với Khoản 6 Điều 4 Dự thảo quy định “Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận và thực hiện công bố công khai kết luận này”.
Đặc biệt, Khoản 10 Điều 4 Dự thảo quy định “sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra”.
Theo VCCI, thực tế, khi doanh nghiệp bị điều tra về sai phạm, những người quản lý của doanh nghiệp bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp bị ngừng hoạt động trong giai đoạn chưa bầu được các quản lý khác thay thế.
“Cần thiết phải phân tách trách nhiệm của doanh nghiệp và cá nhân người quản lý và áp dụng các biện pháp hợp lý đối với những người quản lý của doanh nghiệp. Đề nghị bổ sung quy định liên quan đến áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý đối với những người quản lý của doanh nghiệp”, góp ý của VCCI nêu.
Chi tiết hơn để bảo đảm tính khả thi
Tham gia thẩm tra Dự thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng: các nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh trong dự thảo thực chất đã được quy định tại các luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính... Đồng thời, các nội dung này cũng chỉ mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết 68 để có thể áp dụng được trong thực tiễn.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉ quy định những nội dung chưa được quy định trong các văn bản luật hiện hành và tiếp tục nghiên cứu, quy định chi tiết, cụ thể hơn các nội dung này để bảo đảm tính khả thi của các quy định.
Đối với nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ quan tham gia thẩm tra nhận định chưa rõ tần suất thanh tra, kiểm tra không quá một lần/năm đối với từng hình thức thanh tra, kiểm tra hay đối với tất cả các hình thức thanh tra, kiểm tra. Trường hợp tần suất thanh tra, kiểm tra không quá một lần/năm được tính riêng với từng hoạt động thanh tra, kiểm tra thì sẽ không bảo đảm được yêu cầu “chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết” của Nghị quyết 68.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể nguyên tắc này để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 68 về vấn đề này, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định trên thực tế.
CHÂN LUẬN
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-co-che-thoa-thuan-nhan-toi-cho-doanh-nghiep-de-duoc-tiep-tuc-kinh-doanh-post849825.html