Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 12.2 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Đường sắt đô thị không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là động lực phát triển đô thị thông minh và và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội - Ảnh: IT
Dự thảo nghị quyết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hướng tới mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn thời gian chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Các cơ chế chính sách đặc thù sẽ tối ưu hóa khai thác quỹ đất, đồng thời trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho Hà Nội và TP.HCM, giúp hai đô thị này linh hoạt triển khai các dự án theo nhu cầu thực tiễn phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đây cũng là bước cụ thể hóa Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6 nhóm chính sách cốt lõi
Dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt với mục tiêu cụ thể như sau:
Nhóm chính sách 1 về huy động nguồn vốn: Tập trung huy động nguồn vốn để đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Linh hoạt trong công tác bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, thực hiện trước một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Nhóm chính sách 2 về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư: Rút ngắn tiến độ triển khai dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án; phân cấp, phân quyền trong công tác thẩm định và phê duyệt dự án; tháo gỡ các vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng; rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; tạo cơ chế sinh hoạt về nguồn vốn thanh toán.
Nhóm chính sách 3 về phát triển mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng): Áp dụng giải pháp quy hoạch để phát triển đô thị gắn kết với giao thông đường sắt đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh các ga, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển đường sắt đô thị.
Nhóm chính sách 4 về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo: Quy định các nội dung đặc thù về lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Nhóm chính sách 5 về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải: Giảm trình tự, thủ tục, thực hiện phân cấp, bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng, bãi đổ thải đủ nhu cầu, kịp thời để phục vụ dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Nhóm chính sách 6 về các chính sách áp dụng riêng cho TP.HCM: Quy định các nội dung tương tự các quy định tại Luật Thủ đô cho TP.HCM về các khoản thu trong khu vực TOD; các hình thức vay và tổng mức dư nợ vay; và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn; lựa chọn nhà đầu tư dự án TOD; phân cấp, phân quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm tạo cơ chế, chính sách tương đồng giữa TP.Hà Nội và TP.HCM về ưu tiên cho đường sắt đô thị.
Các nhóm chính sách đã được đề cập trong Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM, kế thừa các chính sách trong Luật Thủ đô, các chính sách tại Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Các chính sách đã được thực hiện báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, xác định lợi ích đem lại.
Những điểm đột phá
Dự thảo nghị quyết mang đến nhiều cơ chế linh hoạt giúp hai thành phố chủ động huy động vốn từ nguồn thu tăng thêm, tiết kiệm chi, vốn ODA mà không cần lập đề xuất dự án. Đặc biệt, quy trình phê duyệt được đơn giản hóa, cho phép triển khai ngay việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư mà không phải trải qua bước quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan.
Ngoài ra, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) sẽ thay thế thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi, giúp rút ngắn thời gian thực hiện. Chính quyền địa phương cũng có quyền chủ động phân chia dự án, gia hạn thời gian thực hiện, áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp và sử dụng định mức chi phí theo chuẩn quốc tế. Công tác bồi thường, tái định cư có thể tách thành dự án độc lập, cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ chịu trách nhiệm di dời hệ thống điện từ 110KV trở lên.
Một điểm nhấn quan trọng là tích hợp quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD). Cơ chế này giúp thành phố linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất mà không cần thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Nhờ đó, các khu vực quanh nhà ga đường sắt đô thị sẽ được quy hoạch bài bản, tăng mật độ dân cư và chức năng thương mại, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư, dự thảo nghị quyết cũng hướng tới phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, đảm bảo thống nhất quy chuẩn kỹ thuật và triển khai các chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp nội địa sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho các dự án đường sắt đô thị.
Đây là một nỗ lực mang tính đột phá, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, tài chính và thủ tục đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để hai đô thị lớn nhất cả nước phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ và bền vững.
Dự kiến nếu nghị quyết được ban hành, Hà Nội và TP.HCM kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông xanh, bền vững, giảm ùn tắc, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đường sắt đô thị không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là động lực phát triển đô thị thông minh và và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Hà Nội và TP.HCM phấn đấu đến năm 2035 đưa vào khai thác 17 tuyến, đoạn tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 752km, đảm nhận 35 - 50% thị phần vận tải hành khách công cộng và đến năm 2045 đưa vào khai thác thêm 7 tuyến, 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài thêm khoảng 355km, đảm nhận 50 - 60% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án với dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố khoảng 3.065.100 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho hai thành phố khoảng 424.850 tỉ đồng, ngân sách TP.Hà Nội cân đối bố trí khoảng 1.170.250 tỉ đồng, ngân sách TP.HCM cân đối bố trí khoảng 1.470.000 tỉ đồng.
Tuyết Nhung