Đề xuất có Thông tư hướng dẫn Hội đồng quản lý trung tâm kiểm định chất lượng GD

Đề xuất có Thông tư hướng dẫn Hội đồng quản lý trung tâm kiểm định chất lượng GD
6 giờ trướcBài gốc
Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, nội dung ở chương VII về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã có một số thay đổi so với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP.
Nhằm tháo gỡ khó khăn do cách hiểu của xã hội chưa thống nhất về việc “độc lập” đối với các tổ chức kiểm định công lập, không làm phát sinh tình huống phức tạp khi phải xây dựng cơ chế đặc thù đối với tổ chức công lập. Theo đó, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập độc lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ cấp độ 1) theo quy định chung.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Quang - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh nhận định, Nghị định 125 sửa đổi, bổ sung điều kiện thành lập và cho phép thành lập các tổ chức kiểm định trong nước, làm rõ các quy định để đảm bảo tính khả thi và thực chất, phù hợp với mô hình tổ chức công và tư theo pháp luật Việt Nam, điều này thể hiện rõ nhất tại Điều 106 và Điều 108.
Tiến sĩ Trần Đình Quang - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC
Cụ thể, Điều 106, Nghị định 125/2024/NĐ-CP nêu rõ việc thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tư thục phải đáp ứng các điều kiện: có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có phương án cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đối với các tổ chức kiểm định trong lĩnh vực giáo dục đại học, ngoài các điều kiện cơ bản trên, các trung tâm phải đảm bảo tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định phải có tư cách pháp nhân và toàn quyền tự chủ trong các quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, và hoạt động chuyên môn. Đồng thời, tổ chức kiểm định không được phép có nhân sự kiêm nhiệm hoặc biệt phái từ các cơ quan quản lý nhà nước hay từ chính các cơ sở giáo dục mà họ đánh giá.
Về tài chính, các tổ chức kiểm định giáo dục phải tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, tự quyết định thu chi theo quy chế tài chính và quy định pháp luật hiện hành, không nhận kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đại học, hay nhà đầu tư của các cơ sở giáo dục.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Quang, các điều kiện để được thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nói chung, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập nói riêng là phải tường minh, minh bạch với các điều kiện cụ thể, các bước thực hiện rõ ràng.
Tuy nhiên, để thực sự tháo gỡ khó khăn, giải quyết được những hiểu nhầm của xã hội về tính “độc lập” của các tổ chức kiểm định công lập, cần thiết phải có Thông tư quy định về Hội đồng quản lý cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Khi Thông tư này được ban hành, Hội đồng quản lý sẽ là cơ quan có thẩm quyền quản trị các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, các trung tâm kiểm định công lập có thể thực sự phát huy đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của một đơn vị tự chủ cấp 1.
Lúc đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập không chỉ tự chủ và tự quyết định về tổ chức bộ máy và nhân sự mà còn có thể tự quyết định các khoản thu chi của mình. Còn về tư cách pháp nhân, bao gồm việc có tài khoản và con dấu riêng, tự chủ hoạt động chuyên môn và tự đảm bảo kinh phí thì cơ bản các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này cơ bản đã thực hiện trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, mô hình Hội đồng quản lý còn khá mới mẻ và hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục. Do đó, các đơn vị sự nghiệp công lập phải chờ đợi sự hoàn thiện của khung pháp lý, đồng thời phải tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư công, tài chính công, luật viên chức và luật đấu thầu. Điều này tạo nên những trở ngại nhất định trong quá trình triển khai tự chủ và vận hành theo mô hình mới.
Việc tự đảm bảo kinh phí hoạt động tự chủ mức 1 có thể sẽ trở thành thách thức cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Tiến sĩ Trần Đình Quang lý giải, trong điều kiện bình thường, việc tự chủ tài chính ở mức này hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, các biến động trong tương lai, như thiên tai, dịch bệnh kéo dài (chẳng hạn như đại dịch Covid-19),... Hoặc nếu chính sách kiểm định chất lượng giáo dục không còn mang tính bắt buộc như ở một số quốc gia, có thể sẽ gây áp lực tài chính đáng kể. Hoặc sự cạnh tranh từ các tổ chức kiểm định nước ngoài (hiện đã có 10 tổ chức nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam) cũng có thể tạo thêm rủi ro về tài chính cho trung tâm kiểm định chất lượng trong nước.
Nghị định cũng mở ra cơ hội cho các tổ chức kiểm định nước ngoài tham gia vào quá trình kiểm định giáo dục tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Quang, đây là bước đi cần thiết để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong nước dễ dàng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và liên kết đào tạo, cũng như trao đổi học thuật thông qua các hoạt động như tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên. Bên cạnh đó, việc quy định rõ các tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại hoặc một hiệp hội quốc tế hợp pháp trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục công nhận hoặc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp trước khi hoạt động tại Việt Nam cũng giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự minh bạch và chất lượng trong hoạt động kiểm định giáo dục.
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài không bị quy định phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 8m2/người như các tổ chức trong nước điều này cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài.
Chương VII, Mục 1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam
Điều 108. Điều kiện cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
1. Có trụ sở hoạt động ổn định, bảo đảm có diện tích làm việc tối thiểu là 08 m2/người; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Có nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian ít nhất 02 năm kể từ ngày được cho phép hoạt động kiểm định.
3. Có ít nhất 10 kiểm định viên cơ hữu làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định và có kinh nghiệm tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian từ 05 năm trở lên.
Thùy Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/de-xuat-co-thong-tu-huong-dan-hoi-dong-quan-ly-trung-tam-kiem-dinh-chat-luong-gd-post246558.gd