Theo bản kiến nghị gửi ngày 1/11/2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) đề xuất tập trung tháo gỡ các khó khăn khi tiếp cận về đất đai để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản tại các địa phương.
Theo đó, cần hoàn thiện quy trình đấu giá, đấu thầu, giao đất theo quy định mới của Luật, để đảm bảo các dự án đầu tư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện về mặt pháp lý có thể triển khai theo đúng quy định. Theo Trường ĐH KTQD, xây dựng điều chỉnh bảng giá đất theo tinh thần Luật mới nhưng cần đảm bảo lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư để các doanh nghiệp có căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và các cơ quan quản lý có cơ sở phê duyệt dự án.
Các ngân hàng thương mại cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp với các loại bất động sản khác nhau
Đồng thời, nghiên cứu xem xét thí điểm thực hiện việc phân cấp, thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho UBND các tỉnh, thành phố nhằm đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu hàng hóa bất động sản trên thị trường.
Kiến nghị thứ hai là về tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho thị trường. Theo đó, các ngân hàng thương mại cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại hình bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án bất động sản, nhà ở cao cấp; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Ngoài ra, cần khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường bất động sản thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư bất động sản để đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ở kiến nghị về minh bạch hóa thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai, một trong các đề xuất của Trường ĐH KTQD là thành lập trung tâm dữ liệu về hàng hóa bất động sản, Trung tâm này sẽ do Nhà nước thành lập nhằm kiểm soát lượng cung và lượng cầu trên thị trường để có chính sách điều tiết hợp lý và kiểm soát các bất động sản giao dịch qua sàn; nghiên cứu mô hình hoạt động sàn giao dịch bất động sản theo yêu cầu đổi mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 theo hướng “Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất” nhằm đảm bảo kiểm soát giao dịch nhưng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao dịch trên thị trường.
Để giúp hệ thống sàn giao dịch bất động sản của khu vực tư phát huy hiệu quả, Trường ĐH KTQD đề xuất quy định rõ tiêu chuẩn thành lập sàn giao dịch bất động sản và tiêu chuẩn của người quản lý, điều hành sàn giao dịch; nâng cao trình độ chuyên môn của môi giới bất động sản. Quản lý chặt chẽ hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; có quy định về ban hành quy chế hoạt động tại sàn giao dịch bất động sản và công khai quy chế hoạt động của sàn giao dịch bất động sản để các bên tham gia giám sát và thực hiện…
Ngoài ra, cần bổ sung thêm các quy định liên quan tới cơ chế kiểm soát các giao dịch được thực hiện trên sàn về công khai giá bất động sản, trình tự và thủ tục thực hiện các giao dịch, các phí dịch vụ có liên quan… Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến các sai phạm của các chủ thể trong mô hình sản giao dịch bất động sản. Nhờ đó, có thể làm tăng tính công khai, minh bạch thông tin dự án bất động sản đưa vào giao dịch, nhất là các bất động sản hình thành trong tương lai./.
Các chuyên gia của Trường cũng đề xuất quy định thêm điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. Bên cạnh những điều kiện đã có trong pháp luật hiện hành, đối với sàn giao dịch bất động sản cần có sự bổ sung thêm về: năng lực tài chính để doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch bất động sản; điều kiện về năng lực và trình độ chuyên môn của các nhân viên làm việc tại sàn bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản…
PV