Đề xuất đánh thuế 20% tiền lãi chuyển nhượng bất động sản: lo ngại giá nhà tăng

Đề xuất đánh thuế 20% tiền lãi chuyển nhượng bất động sản: lo ngại giá nhà tăng
một ngày trướcBài gốc
Những căn biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Lideco, xã Hoài Đức - Hà Nội. Ảnh: M.N
Lo ngại giá nhà tăng
Tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng, thay vì mức 2% trên giá bán như hiện nay.
Bộ Tài chính cho biết thêm, phương án này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu quy định thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đúng theo bản chất giao dịch kinh tế.
Cụ thể, thu thuế TNCN theo mức 20% trên thu nhập tính thuế. Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ đi giá mua bất động sản và các chi phí liên quan.
Theo cơ quan soạn thảo, so với mức thuế 2% trên giá chuyển nhượng đang áp dụng, việc thu thuế 20% trên thu nhập tính thuế sẽ điều tiết thuế đảm bảo ở mức tương đương. Đặc biệt, trong một số trường hợp, người nộp thuế có thể được lợi hơn, nếu giá chuyển nhượng không chênh lệch nhiều so với giá mua, hoặc giao dịch không phát sinh lợi nhuận, thậm chí bị lỗ, điều tiết việc thu thuế đúng theo thu nhập thực tế của hoạt động giao dịch bất động sản.
Dù vậy, Bộ Tài chính khẳng định phương pháp tính mới cần được triển khai theo lộ trình phù hợp, đồng bộ với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, giao dịch bất động sản và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế. Điều này nhằm bảo đảm cơ quan thuế có đầy đủ thông tin để xác định đúng thu nhập và số thuế phải nộp.
Liên quan đến đề xuất trên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về khả năng người bán sẽ đẩy phần thuế vào giá bán, khiến thị trường bất động sản trở nên đắt đỏ hơn.
Chị Nguyễn Thị Loan (phường Phúc Đồng, Hà Nội) lo ngại: “Chính sách này có thể khiến giá nhà ở các đô thị lớn tiếp tục tăng. Những người bán nhà vì lý do tài chính hay chuyển đổi chỗ ở sẽ chịu thiệt, vì sau khi đóng thuế, họ không đủ tiền mua nhà khác tương đương. Nếu mục đích là chống đầu cơ thì nên đánh vào những người sở hữu từ căn nhà thứ hai trở đi, và theo thời gian nắm giữ”.
Ở chiều ngược lại, anh Nguyễn Quang Vinh (xã Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng thị trường sẽ tự điều tiết: “Thị trường là một cái cân lớn, nếu người bán tăng giá để bù thuế, người mua sẽ không mua. Khi đó, cung vượt cầu, giá lại phải giảm. Không thể nói cứ tăng thuế là giá nhà sẽ tăng”.
Bản chất đề xuất này là thay đổi cách tính
Một số chuyên gia cũng đồng tình với phương án thu thuế theo phần chênh lệch lãi thực tế, nếu hệ thống quản lý đủ năng lực. Đại diện một công ty bất động sản nhận định: “Việc áp thuế 20% trên lợi nhuận cá nhân là hợp lý, vì doanh nghiệp cũng đang nộp thuế từ 20 - 22%. Nên phân chia thuế theo thời gian nắm giữ tài sản, ví dụ dưới 2 năm chịu thuế cao hơn để hạn chế đầu cơ, còn càng giữ lâu thì mức thuế càng thấp. Cách này sẽ góp phần bình ổn thị trường và hướng vào nhu cầu thật, không phải lướt sóng”.
Vị này cũng cho rằng, mặc dù giai đoạn đầu có thể làm giảm thanh khoản ở phân khúc đầu cơ, nhưng về lâu dài sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng bản chất đề xuất này không phải là một sắc thuế mới, mà là thay đổi cách tính. Tuy nhiên, bà chỉ ra những rủi ro lớn về tính khả thi: “Để tính được phần chênh lệch thực tế, cơ quan thuế phải xác minh chính xác giá mua – bán và các chi phí liên quan. Trong thực tế, giá hợp đồng thường thấp hơn giá thực tế để lách thuế, còn chi phí sửa chữa, môi giới lại ít có chứng từ chứng minh. Khi cả đầu vào lẫn đầu ra đều không minh bạch, phép tính thuế sẽ trở nên cảm tính và có thể gây thiệt cho người dân”.
Việc thay đổi phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản theo hướng đánh vào lợi nhuận thực tế là một bước tiến nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, để chính sách này có thể phát huy hiệu quả, Nhà nước cần đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, quản lý giao dịch và hệ thống thuế điện tử, tránh biến chủ trương tiến bộ thành một gánh nặng mới cho người dân.
Minh Dương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-xuat-danh-thue-20-tien-lai-chuyen-nhuong-bat-dong-san-lo-ngai-gia-nha-tang-425759.html