Chiều 16/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về đề xuất đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt chở khách Hà Nội - Quảng Ninh của Tập đoàn Vingroup.
Tập đoàn Vingroup hiện đang đề xuất dự án đầu tư tuyến đường sắt chở khách Hà Nội - Quảng Ninh. (Ảnh minh họa).
Hiện nay, trên hành lang kết nối Hà Nội - Quảng Ninh có định hướng quy hoạch 1 tuyến đường sắt Yên Viên - Lim - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, trên cơ sở tận dụng hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn (đoạn Yên Viên - Lim) và Kép - Hạ Long - Cái Lân (đoạn Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân).
Chức năng chủ yếu của tuyến đường sắt là khai thác hỗn hợp hàng hóa và hành khách với tốc độ thiết kế 120km/h. Tuy nhiên, sau khi khởi công năm 2008, đến năm 2011, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân bị đình hoãn.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án đầu tư bổ sung khoảng 4.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 8.300 tỷ đồng, điều chỉnh công năng của dự án sang chủ yếu vận tải hành khách.
Tập đoàn Vingroup hiện đang đề xuất dự án đầu tư tuyến đường sắt chở khách Hà Nội - Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho khách du lịch di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ninh và ngược lại, có chiều dài khoảng 121km, với vận tốc thiết kế tối đa 300km/h.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ Tài chính, Xây dựng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh, TP Hà Nội đã trao đổi về những vấn đề đặt ra liên quan đến hướng tuyến, công nghệ, nhu cầu vận tải, tổng mức đầu tư, hiệu quả đầu tư, tính khả thi… đối với đề xuất của Tập đoàn Vingroup trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt trên hành lang Hà Nội - Quảng Ninh.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các tuyến đường sắt trên hành lang Hà Nội - Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong kết nối của vùng Đồng bằng sông Hồng. Chính phủ hoan nghênh đề xuất của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm tiêu chí pháp lý với thủ tục nhanh nhất.
Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư để thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới đường sắt trên hành lang Hà Nội - Quảng Ninh trong bối cảnh thay đổi về phát triển kinh tế-xã hội, kỹ thuật, công nghệ; xem xét, tính toán, lựa chọn hướng tuyến phù hợp nhằm tối ưu hóa các mục tiêu, hiệu quả đầu tư của Nhà nước, tư nhân; đáp ứng yêu cầu sử dụng đa mục đích, tích hợp với các phương thức giao thông khác, kết nối liên vận, liên tỉnh, đô thị.
Đồng thời, nhà đầu tư cần làm rõ đề xuất hướng tuyến, các công trình hạ tầng, phương thức đầu tư và cơ chế, chính sách đi kèm để khai thác, phát triển hạ tầng, đô thị thương mại, dịch vụ dọc tuyến dự án (TOD)…
Linh Đan