Một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam 4 làn xe hạn chế được đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) để triển khai mở rộng các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Tự chủ động thu xếp nguồn vốn
Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức họp cùng các Bộ ngành liên quan để xem xét giao Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với Bộ Xây dựng nghiên cứu chọn đoạn tuyến để đề xuất dự án mở rộng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc doanh nghiệp chủ động thu xếp tài chính (từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước), không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, cân đối nguồn thu để hoàn vốn cho dự án và đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong quá trình khai thác.
Doanh nghiệp này đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài chính làm việc với Tập đoàn Đèo Cả xem xét chủ trương đầu tư công kết hợp với đầu tư PPP trong giai đoạn mở rộng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Tập đoàn Đèo Cả chủ trì nghiên cứu lập đề xuất dự án kết nối các doanh nghiệp trong nước cùng hợp lực thực hiện.
Trên cơ sở đề xuất dự án mở rộng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông được phê duyệt, Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ định doanh nghiệp này thực hiện dự án bằng phương thức PPP theo chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW và các quy định tại Luật PPP, Luật Đường bộ.
Nhà đầu tư cam kết sử dụng vốn chủ sở hữu và huy động nguồn vốn trong nước để thực hiện dự án, đồng thời đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên cơ sở tổ chức cân đối vốn đầu tư và kiểm đếm, kiểm toán lưu lượng doanh thu thực tế của các tuyến đường.
Để rút ngắn tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư, Đèo Cả đề xuất dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bãi đổ thải và khai thác khoáng sản làm vật liệu; người quyết định đầu tư được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.
Các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam quy mô 2 làn xe mỗi bên cần thiết phải đầu tư mở rộng do nhu cầu khai thác vận tải tăng nhanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận toàn bộ công trình hiện hữu để quản lý khai thác,tổ chức thu phí để triển khai thi công mở rộng tuyến đường để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt liên tục. Việc đầu tư theo phương thức PPP sẽ giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong bối cảnh ngân sách cần tập trung cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế khác, đồng thời đảm bảo việc quản lý khai thác tài sản nhà nước được hiệu quả.
“Phương thức đầu tư tương tự đã được áp dụng thành công tại Dự án hầm đường bộ Hải Vân và hiện đang triển khai ở Dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận,” ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay.
Khi được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án, Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh cam kết sẽ khẩn trương thực hiện các thủ tục để khởi công dự án nhằm chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 -19/12/2025) và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, đã thực hiện phân kỳ đầu tư khoảng 1.375km với quy mô từ 2 đến 4 làn xe, bao gồm 654km (giai đoạn 2017-2020) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 721km (giai đoạn 2021-2025) đang được khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025-2026.
Ngày 14/5/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu dự án mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trong đó tính toán phương án nhượng quyền thu phí kết hợp nâng cấp, mở rộng tài sản theo quy hoạch và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, phấn đấu khởi công một số dự án thành phần trong tháng 12/2025.
Theo nghiên cứu của Tập đoàn Đèo Cả, chỉ tính riêng việc đầu tư mở rộng 5 đoạn cao tốc đang được khai thác nhưng chưa thu phí (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây) theo phương thức PPP (không sử dụng ngân sách Nhà nước) sẽ giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách Nhà nước hơn 37.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện triển khai thi công tại hàng loạt các gói thầu của nhiều Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Trong trường hợp đầu tư mở rộng toàn bộ tuyến cao tốc Bắc-Nam (hơn 1.100km) theo phương thức PPP sẽ tiết giảm 152.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án mở rộng, Đèo Cả đề xuất kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư PPP.
Với kinh nghiệm đầu tư hơn 300km đường cao tốc theo phương thức PPP và tham gia xây dựng hơn 500km đường cao tốc, Tập đoàn Đèo Cả nhận định rằng việc tổ chức thi công mở rộng các tuyến kết hợp với thu phí sẽ giúp tối ưu hóa nguồn vốn, đảm bảo minh bạch doanh thu, qua đó khẳng định tính khả thi và hiệu quả của phương án tài chính.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, ngay từ khi các chính sách, pháp luật về mô hình PPP còn nhiều hạn chế và bất cập, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động, sáng tạo, hợp lực nhiều doanh nghiệp khác trong nước đưa ra các giải pháp để đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng của đất nước theo phương thức PPP, từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này với các dự án quy mô lớn trên toàn quốc, đảm bảo tiến độ, chất lượng bằng công nghệ, kỹ thuật hiện đại./.
(Vietnam+)